Sự kiện “Nỗi buồn con gái” hay còn gọi là “Tần nương thất” được dàn dựng lại là một bất ngờ lớn của sân khấu cải lương phía nam. Đây là một trong những vở diễn vang danh của nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết trước năm 1975 và đã đoạt được rất nhiều giải thưởng cao của chính quyền Sài Gòn cũ…

Nghệ sĩ Bạch Tuyết – Tần Nương Thất xưa

Chương trình này nhằm góp phần vào việc bảo tồn và tôn vinh giá trị của những vở cải lương bất hủ mà cho đến nay dư âm của nó đã thấm sâu vào tâm khảm của bao thế hệ khán giả mộ điệu. Đồng thời cũng để xác định và xây dựng bản sắc riêng cho các chương trình phát sóng của Trung tâm truyền hình cáp HTVC nói chung và kênh Thuần Việt nói riêng đúng như tên gọi của nó. Với mục đích và ý nghĩa cao cả đó, Trung tâm truyền hình cáp HTVC – Kênh Thuần Việt và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cùng phối hợp thực hiện chương trình “Những vở cải lương vang bóng một thời”.

Bạch Tuyết và Trang Thanh Lan tại giải Kim Khánh

Đây là một chương trình định kỳ, hai tháng sẽ thực hiện một vở và được phát sóng trên kênh HTVC Thuần Việt. Chương trình sẽ được biểu diễn và thu hình tại Nhà hát Lớn Thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của các nghệ sỹ lão thành, các nghệ sỹ nổi tiếng mà tên tuổi của họ một thời đã làm rạng danh sân khấu cải lương Nam Bộ cùng với các nghệ sỹ trẻ hiện nay.

Nghệ sĩ Bạch Tuyết trong thời gian đi du học…

Tối 2-6, tại Nhà hát TP đã công diễn vở cải lương nổi tiếng Tần nương thất ( tác giả  Hà Triều – Hoa Phượng, đạo diễn NSƯT Bạch Tuyết, Biên tập : Cẩm Linh; Thiết kế sân khấu : Công ty Quốc Hưng; Âm nhạc : Thái An) với sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ : NSƯT Kim Tử Long, Trọng Phúc, Tú Sương, Điền Trung, Thanh Hồng…  Cuộc đời oan nghiệt, éo le của cô vũ nữ tên Tần đã từng làm rơi nước mắt biết bao khán giả mộ điệu cải lương Sài Gòn thập niên 1960. Tần – cô vũ nữ 24 tuổi đã trở thành bà quả phụ. Căn biệt thự mang tên Tần nương thất mà người chồng già để lại đã biến thành căn nhà mồ khi Tần phải sống trong sự cuồng si, mê muội của Thụy – em trai người chồng quá cố. Đảnh – đứa con trai của người chồng xuất hiện và cũng tại ngôi biệt thự này, vô tình Đảnh phát hiện ra sự thật về thân thế của mình, tung tích của người cha ruột và sự thật về cái cheat của người cha nuôi. Đây cũng chính là lúc Đảnh phải chọn lựa một bến đỗ bình yên với Tần hay sống như một cánh chim trời phiêu lãng… Với vai diễn Tần, NSND Bạch Tuyết đã được trao Huy chương Vàng giải Thanh Tâm cho nghệ sĩ xuất sắc nhất trên sân khấu đoàn Dạ Lý Hương của bầu Xuân và trở thành hiện tượng “Cải lương chi bảo”. Vở Tần nương thất (hay Nỗi buồn con gái) cũng được Ban tuyển chọn giải Thanh Tâm bình chọn là Tuồng cải lương hay nhất trong năm 1965  để trao giải “Vở hát đoạt giải hay nhất”. Tuy nhiên, vở cải lương danh tiếng này cũng đã đánh dấu cuộc chia tay của hai soạn giả tài danh Hà Triều – Hoa Phượng, không đứng đồng tác giả trong các vở cải lương nữa. Bằng tất cả những kinh nghiệp của mình, NSND Bạch Tuyết đã truyền lại cho NS trẻ Tú Sương vào vai Tần rất ấn tượng.

Ông Lê Đức Hùng – Giám đốc Trung tâm truyền hình cáp HTVC cho biết: “Sau vở diễn Tần nương thất chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp và dự kiến thực hiện các vở tiếp theo: Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga, Bên cầu dệt lụa, Mùa thu lá bay…do nhiều đạo diễn và nghệ sĩ tài danh thể hiện”.

Cải lương chi bảo” Bạch Tuyết với “Nỗi buồn con gái”

Nhận xét bài: Cải lương chi bảo” Bạch Tuyết với “Nỗi buồn con gái”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *