Giải Thanh Tâm là giải thưởng danh giá của cải lương, cho đến bây giờ những nghệ sĩ được trao giải vẫn chứng tỏ mình xứng đáng.
NSND Bạch Tuyết và NSND Ngọc Giàu trong vở Kiều Nguyệt Nga
Giám khảo nghiêm khắc, thí sinh nghiêm túc
Thập niên 1940 – 1950, tờ báo Tiếng Dội do ông Trần Tấn Quốc làm chủ bút phát triển mạnh mẽ. Ông mở trang sân khấu nói nhiều về cải lương thu hút độc giả, báo bán chạy vô cùng. Lúc ấy, Trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn không còn mở lớp cổ nhạc nữa, nhà nước cũng không mở cuộc thi nào về cải lương, vì vậy ông Trần Tấn Quốc suy nghĩ về một giải thưởng riêng cho bộ môn này. Từ đó giải Thanh Tâm ra đời năm 1958.
Ban giám khảo lặng lẽ đi xem tất cả các vở diễn trong năm, lặng lẽ ghi nhận ý kiến, rồi họp nhau quyết định. Nghệ sĩ không biết ban giám khảo đi xem lúc nào, cho nên cả năm phải luôn ca diễn tử tế. Mà không chỉ nỗ lực về nghề nghiệp, nghệ sĩ còn phải nỗ lực về đạo đức, một chút xì căng đan là bị loại.
Lần chấm giải đầu tiên chưa ai nhìn thấy tầm quan trọng của giải này. Ban giám khảo gồm 5 người: ông chủ bút Trần Tấn Quốc, 3 nghệ sĩ lừng danh: Phùng Há, Năm Châu, Bảy Nhiêu, và ông công chức Nguyễn Hoàng Minh đại diện khán giả. Tuy nhiên, ông chủ bút đã rất khôn khéo tuyên truyền cho giải bằng cách chọn nhà hàng Bồng Lai cực kỳ sang trọng tại Sài Gòn để phát giải, mời hết ký giả của các báo khác đến dự, có cả Đài phát thanh Sài Gòn và Nha Điện ảnh đến quay phim. Sự kiện này rất bất ngờ cho giới sân khấu lẫn báo chí, thông tin. Chưa hết, đoạn phim nghệ sĩ Thanh Nga lãnh giải được lồng vào chương trình thời sự của Ty Thông tin Sài Gòn chiếu rộng rãi khắp các rạp phim, khiến Thanh Nga nổi tiếng lừng lẫy. Người ta bắt đầu nhận ra giải thưởng quan trọng này và đua nhau theo dõi.
Những ngôi sao không tắt
Nghệ sĩ Thanh Nga lãnh giải đầu tiên năm 1958, lúc đó bà mới 17 tuổi.
Năm 1959, nghệ sĩ Lan Chi và Hùng Minh lãnh giải. Năm này, ban giám khảo có đến 13 thành viên, gồm 3 nghệ sĩ Phùng Há, Bảy Nhiêu, Duy Lân, 3 soạn giả Kiên Giang, Hà Triều, Viễn Châu, và 7 ký giả kịch trường. Lễ trao giải tổ chức giản dị tại Trường Quốc gia âm nhạc. Hùng Minh đẹp trai, cao to, ca hay, diễn giỏi. Sau này vì những cơ duyên mà ông chuyển sang diễn kép độc. Vai để đời của ông là Mã đô úy trong Tiếng trống Mê Linh. Giờ ông hơn 70 tuổi vẫn đi hát và đóng phim. Còn nghệ sĩ Lan Chi theo đoàn Phước Chung đi hát ở các vùng xa xôi nên tên tuổi bà dần lu mờ.
Năm 1960, nghệ sĩ Bích Sơn và Ngọc Giàu cùng lãnh giải. Ngọc Giàu mới 13 tuổi đã là đào chánh của gánh Kim Chưởng. Cặp soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng đã đo ni đóng giày cho bà biết bao nhiêu vai, từ già, trẻ, con nít, mùi, độc, lẳng, vai nào bà diễn cũng xuất sắc. Bích Sơn là cô đào miền Bắc hát được giọng nam, đứng trên sân khấu Kim Chung.
Năm 1961, nghệ sĩ Thanh Thanh Hoa đoạt giải. Bà rất đẹp, phong thái sang trọng, nhu mì, sau này sinh con đặt tên là Thanh Thanh Tâm để kỷ niệm giải thưởng danh giá. Sau 1975, bà đi hát một thời gian ngắn rồi lui về ở ẩn, chăm sóc nhà cửa cho Thanh Thanh Tâm đi hát.
Năm 1962, nghệ sĩ Ngọc Hương và Ánh Hồng cùng đoạt giải. Giọng ca trầm độc đáo của Ngọc Hương làm nhói lòng người nghe. Sau khi đoạt giải, bà và soạn giả Thu An nổi tiếng đã thành vợ chồng và lập gánh Hương Mùa Thu cho ra đời nhiều vở tuồng hay. Bà Ánh Hồng hiện sống tại Long An với chồng là soạn giả Hữu Lộc.
Năm 1963, có đến 6 nghệ sĩ được giải, trong đó Tấn Tài, Bạch Tuyết, Diệp Lang là 3 nghệ sĩ còn đi hát cho đến tuổi xế chiều. Thanh Tú lừng danh với vai Nhuận Điền trong vở Bên cầu dệt lụa sau 1975. Trương Ánh Loan qua đời khi còn đang độ xuân sắc. Kim Loan chính là Mộng Tuyền, định cư nước ngoài, giờ vẫn về VN biểu diễn.
Năm 1964, Lệ Thủy và Thanh Sang lên ngôi. Sau khi nhận giải, bà cùng kép đẹp Minh Phụng trở thành đôi “bão biển” của đoàn Kim Chung. Sau 1975, bà lại đứng chung với Minh Vương thành một đôi nghệ sĩ được ái mộ. Lệ Thủy là cô đào có sức hút bền bỉ, bây giờ bà vẫn “chạy sô” thường xuyên khắp các tỉnh. Sau giải Thanh Tâm, Thanh Sang về với đoàn Thanh Minh, đứng chung với Thanh Nga như một đôi bạn diễn đặc biệt đến nỗi khi Thanh Nga mất đi, ông dường như không muốn đi hát nữa, thỉnh thoảng ai mời quá ông mới nhận lời. Ông đã mất mấy năm qua.
Thanh Tâm 1965 được trao cho Thanh Nguyệt và Bo Bo Hoàng. Thanh Nguyệt sau này ít hát mà đóng nhiều phim nhờ gương mặt đẹp phúc hậu. Bo Bo Hoàng chuyên trị vai độc lẳng rất có duyên.
Năm 1966, Phượng Liên và Phương Quang nhận giải. Phượng Liên rực rỡ một thời, sau này sang Mỹ định cư, vẫn về VN diễn thường xuyên. Phương Quang có giọng ca đẹp như Út Trà Ôn.
Thanh Tâm 1967 được trao cho Mỹ Châu, Ngọc Bích, Bảo Quốc, Phương Bình. Mỹ Châu sáng giá không tưởng nổi, nhưng bà quyết ở ẩn mười mấy năm nay, chỉ thỉnh thoảng thu âm các album và diễn cho đài truyền hình. Bà nói mình có một lời nguyền phải giữ. Bà định cư ở nước ngoài nhưng mỗi năm về VN 6 tháng để được sống không khí quê nhà. Bảo Quốc sau 1975 trở thành danh hài ăn khách bậc nhất, đến nay vẫn chạy sô đều đều ở VN lẫn Mỹ.
Nguồn: Theo báo Thanh niên
Cải lương qua 1 thế kỷ: Giải Thanh Tâm và những ngôi sao