Tất cả đều là sự lựa chọn, lựa chọn một hướng đi và cách sinh tồn, lựa chọn tư thế và cũng là tư cách người nghệ sĩ.
Ngày 16/4/1975, nhà tôi đưa tôi ra sân bay Tân Sơn Nhất theo diện di tản của công dân và gia đình thuộc các sứ quán ngoại giao. Ngồi từ phòng chờ, ngắm nhìn trời chiều Sài Gòn, tôi tự hỏi, đất nước thôi không còn chiến tranh, một nửa bên kia sông Bến Hải mình vẫn chưa hề biết tới, sao không ở lại để nhìn thấy, để đặt chân một lần ra ngoài ấy. Mình là nghệ sĩ cải lương, khán giả của mình là ở đây, sao lại phải rời bỏ đất nước mà đi…
Tôi lặng lẽ quay ra và về lại con đường quen thuộc. Từ xa, tôi đã nhìn thấy nóc nhà mình.
NSND Bạch Tuyết trong Thái hậu Dương Vân Nga
Tối 30/4, Sài Gòn không ngủ. Tối 1/5, có một người lạ ghé thăm nhà. Sau câu chuyện lịch sự và ân cần, ông để lại cho tôi số điện thoại cùng lời bộc bạch: các chị yên tâm ở lại, cách mạng sẽ bảo vệ các chị. Sau này, trong một lần ở Hải Phòng, tôi gặp lại ông, chính xác thì ông bước tới giới thiệu và nhắc chuyện cũ.
Cho đến một ngày không lâu sau sự ra đi lẫm liệt của chị Thanh Nga, ông Dương Đình Thảo và ông Lê Duy Hạnh đã đến nhà tôi và mời tôi trở lại sân khấu. Tôi tin cậy nhận lời. Đêm đầu tiên công diễn Thái hậu Dương Vân Nga (soạn giả Hoa Phượng), tôi về nhà giữa bao cảm xúc không thể tả và nhận được điện thoại của nghệ sĩ Hùng Cường, anh nói rất ngắn, anh mừng cho em… Rồi thôi.
Năm 1979, trước ngày cùng Thái hậu Dương Vân Nga ra công diễn các tỉnh phía Bắc, đạo diễn Lưu Chi Lăng nháy mắt tinh nghịch bảo tôi, bây giờ tớ sẽ đưa các cậu ra thủ đô, đến với khán giả cả nước nhé!
Đêm ấy, giữa không gian sang trọng của Nhà hát Lớn Hà Nội, có một hàng khán giả đặc biệt, đó là những chiến sĩ vừa lập công lớn từ các tỉnh biên giới phía Bắc trở về, họ hầu hết còn rất trẻ. Tôi – trong vai thái hậu Dương Vân Nga, từ ngai vàng bước ra sảnh chầu, đi giữa hai hàng khanh tướng đã cất lời: “Lê Hoàn, mới vừa đây khanh chào hỏi Nguyễn Lưu, Trần Đệ, trong khi ta và ba quân lơ là với họ, riêng khanh, lại nhìn vào dân dã, tôn trọng những người chiến sĩ vô danh ngang với các bậc đại công… thần [vọng cổ]”. Những chữ chuẩn bị xuống hò cuối cùng, tôi quay hẳn người và dang thẳng cánh tay về phía hàng ghế đặc biệt ấy, hơn cả lời tri ân, hơn cả niềm tự hào quốc dân ở một nghệ sĩ. Cả khán phòng đồng loạt đứng lên và chìm trong tiếng vỗ tay không dứt.
Đó là một khoảnh khắc thiêng liêng trong đời làm nghệ thuật của tôi.
Cũng trong đêm ấy, khi bà thái hậu dõng dạc tuyên cáo: “Nói cho bọn giặc Tống biết rằng, kẻ vay máu xương sẽ phải trả bằng xương máu, ai thích hỏi giáo gươm sẽ được trả lời bằng gươm giáo”; đâu đó ở hàng ghế của đoàn ngoại giao Trung Quốc, có một vài tiếng lập cập bỏ ghế, đứng dậy rời khỏi khán phòng.
Năm 1984, trên sàn tập vở Đời cô Lựu (soạn giả Trần Hữu Trang), tôi vào vai Lựu, một vai diễn kinh điển của thầy tôi – NSND Phùng Há, sau nhiều ngày vỡ hoang, thoại kịch, xây dựng đường dây kịch bản âm nhạc… má Bảy đột nhiên nói với đạo diễn Huỳnh Nga và tôi, má muốn thay đổi cái kết. Tôi chưa hiểu ý má. Bà nói chậm rãi, như thể bà đã nghiền ngẫm kỹ từ lâu – Ông Trần Hữu Trang viết tuồng này là để chống Tây mà Tây vẫn phải cho diễn nên cái kết bắt buộc cô Lựu phải vào chùa. Nay Tây Mỹ gì cũng không còn, nước mình độc lập, sao lại bắt Lựu vào chùa, sao lại để cô Lựu cúi đầu. Nước mất thì dân chịu cúi đầu. Nay có nước rồi thì dân phải ngẩng cao đầu mà sống chứ…
Đó là suy nghĩ, là thiết kế đường dây để mạn phép soạn giả Trần Hữu Trang thay đổi một tình tiết kết tuồngĐời cô Lựu của thầy tôi; hơn thế là đổi thay một tư thế cho nhân vật, một tư cách công dân của người nghệ sĩ mà chỉ có bà – người sinh ra đúng vào ngày 30/4 – đã chọn cho mình và một thế hệ học trò của mình cái tư cách nghệ sĩ đáng kính.
Năm 1992, tôi về nước trong kỳ nghỉ hè, gặp đạo diễn Nguyễn Hồng Phúc, ngồi trò chuyện cùng NSND – họa sĩ Lương Đống, để cuối cùng anh em gặp nhau ở Diễn kịch một mình của tác giả Lê Duy Hạnh. Tôi nhớ, giữa phòng khách của biệt thự ở đường Phạm Ngọc Thạch, tôi diễn ngay trên mặt bàn đá có đường kính 2m, diễn trước những khán giả đầu tiên của vở kịch một người này như Trịnh Công Sơn, họa sĩ Chóe, giáo sư Nguyễn Văn Hạnh, thầy Lê Trí Viễn, Lê Tiến Dũng…
Những lời thoại, ở thời điểm ấy, mang sức nặng ngàn cân: “Những ngày đó, tình dân nghĩa chúa sao mà cao đẹp quá. Còn bây giờ, lẽ nào vinh hoa phú quý đã che mờ hết những ngày gian khổ năm xưa. Trước kia, trong cuộc chiến đấu một mất một còn để giữ gìn đất nước, chúa thượng còn nằm gai nếm mật với dân, chấp nhận hy sinh gian khổ về mình, nên muôn dân dù mất mát, đau thương chết chóc, đói nghèo vẫn bền gan vững chí. Giờ đây chúa thượng thích ăn sung mặc sướng, thích lời ngon ngọt êm tai, trong khi dân vẫn còn đang chịu hàm oan, bất công, lầm than, khổ ải…”.
Những lời gan ruột ấy đâu phải chỉ viết để “mua vui” cho vài trống canh, nó thức tỉnh bên ngoài tấm màn sân khấu về vận nước, về lòng dân. Như trong Bình Tây Đại Nguyên Soái, thầy tôi – NSND Nguyễn Thành Châu đã viết: “Ta đánh giặc không phải vì vua mà giữ nước. Nước của dân, ta giữ nước là vì dân. Trong chiêm bao Đức Quốc Tổ đã ân cần, bảo phải đánh, đánh mới còn, dân khỏi phải kiếp trâu cày ngựa cỡi…”.
Tất cả đều là sự lựa chọn, lựa chọn một hướng đi và cách sinh tồn, lựa chọn tư thế và cũng là tư cách người nghệ sĩ. Sự ở lại – sau 43 năm, đã không còn định vị ở một không gian nhất định, là Sài Gòn; mà trước hay sau, chỉ có một nơi chốn để bạn dù có ra đi hay ở lại, hay trở về rồi lại ra đi thì bạn mãi mãi thuộc về, là của nơi ấy, nơi thấm đẫm tình dân tộc, vời vợi chuyện nước non…
NSND Bạch Tuyết – Báo Phụ Nữ (27/04/2018)