(NLĐO) – Nghệ sĩ Bạch Lan – em gái của nghệ sĩ – soạn giả Bạch Mai, dì út của NS Bình Tinh – vừa qua đời vì căn bệnh ung thư phổi, hưởng dương 59 tuổi.
Nghệ sĩ Bạch Lan sinh năm 1960, tên thật là Lê Thị Hương Lan, đã trút hơi thở cuối cùng lúc 15 giờ ngày 23-5 tại nhà riêng.
Từ nhỏ, Bạch Lan đã được ba mẹ là ông bầu Ngọc Huỳnh, bà bầu Ngọc Hương cho lên sân khấu đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long tham gia múa trong các vở tuồng của đoàn. Khi trưởng thành, nhờ có nét ca diễn duyên dáng, làn hơi ngọt ngào, sâu lắng nên Bạch Lan được cha mẹ giao đóng những vai đào nhì, sau đó được hát các vai đào chánh.
Khán giả yêu thích vở cải lương “Tấm Cám” của soạn giả Huy Trường, đã từng được đạo diễn NSND Huỳnh Nga dàn dựng cho đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long đã không thể quên nhân vật nàng Tấm của vở diễn này do NS Bạch Lan thể hiện. Một nàng Tấm rất duyên dáng, có tâm hồn trong sáng qua nét diễn tài hoa của nữ nghệ sĩ Bạch Lan.
NSƯT Vũ Linh nhận xét: “Trong số những cô đào trẻ của sân khấu cải lương tuồng cổ thời đó, Bạch Lan diễn rất sâu lắng. Dễ chiếm cảm tình khán giả khi cô thừa hưởng quá lớn từ chiếc nôi nghệ thuật của Huỳnh Long, nơi mà cha mẹ cô vốn rất nghiêm khắc với con cháu khi cho phép theo nghề hát. Nhờ vậy mà Bạch Lan tiến bộ rất nhanh. Tôi đã từng yêu say đắm các nhân vật của cô đào này. Sự ra đi của nghệ sĩ Bạch Lan quá đau xót đối với chúng tôi”.
Trong hành trang nghệ thuật của NS Bạch Lan, cô được khán giả thương yêu qua nhiều vai diễn: Thứ phi (vở “Mặt trời đêm thế kỷ” – vai diễn đoạt HCV tại Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc tại Hà Nội năm 1990), Tam Kiều (vở “Về đất Kinh Châu”), Tô Ánh Tuyết (vở “Mạnh Lệ Quân”), A Sương (vở “Lá chắn biên thùy”), Bội Lan (vở “Anh hùng bán than”), A Sao (vở “Tình sử A Nàng”)…
Soạn giả Bạch Mai đã khóc nức nở khi hay tin em gái mình qua đời. Bà nói: “Trong gia đình Bạch Lan là người em chịu khó rèn luyện để xứng đáng là một cô đào hát. Em gái tôi chưa bao giờ ỷ vào vị thế là con của bầu gánh mà lười biếng trong lao động nghệ thuật. Chịu khó học nghề, dấn thân vào các vai diễn khó. Những trải nghiệm đáng quý từ các vai diễn, sau này Bạch Lan còn đem kinh nghiệm mà bản thân đã mài dũa để trao truyền cho thế hệ hậu bối”.
Với nghệ sĩ Bình Tinh tâm sự: “Khi tôi dự thi “Sao nối ngôi”, dì út là người theo sát bên tôi động viên tinh thần. Mỗi thành công của tôi trong nghệ thuật bao giờ dì út cũng tỏ ra vui mừng. Tôi học từ dì tôi sự nhẫn nại trong cuộc sống. Khi biết mình bị bệnh nặng, dì út của tôi rất kiên trì, không than trách số phận, luôn lạc quan. Dì còn là tấm gương sáng cho các con của dì, con trai của dì đã vào đại học, chọn ngành y để theo đuổi”.
Tang lễ của NS Bạch Lan được tiến hành tại Đình Nhơn Hòa (số 27 Cô Giang, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP HCM). Lễ tẩm liệm vào lúc 7 giờ ngày 24-5. Lễ viếng bắt đầu từ 9 giờ ngày 24-5. Lễ động quan lúc 9 giờ ngày 26-5, sau đó hỏa táng tại Bình Hưng Hòa. Di ảnh của NS Bạch Lan sẽ được đặt tại Chùa Nghệ sĩ Gò Vấp, TP HCM.