Danh ca Minh Cảnh sau nhiều năm xa quê hương đã có buổi biểu diễn nghệ thuật ” Nhớ mãi ơn thầy” tri ân khán giả và những chia sẻ hết sức xúc động ngày 16/06 vừa qua.
Xin được hỏi nghệ sĩ Minh Cảnh, lần về nước này, anh có tâm trạng, cảm xúc đặc biệt gì không, thưa anh?
– Nghệ sĩ Minh Cảnh: Thực sự cảm xúc trong tôi quá tràn đầy, bởi như con chim có cái tổ, con người có cái nhà và có cả quê hương yêu dấu, ngày trở về, khi tôi bước chân ra phi trường, lên phi cơ, chờ phi cơ cất cánh mà lòng nôn nao. Khi đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, tôi vô cùng cảm xúc… Những nhân viên ở sân bay, mặc dù còn trẻ, rất trẻ, nhưng gặp tôi mừng rỡ hỏi han khiến tôi rất xúc động. Tôi thấy điều đó cũng chính là câu trả lời trực tiếp, cụ thể cho câu hỏi: Cải lương, nền cổ nhạc của chúng ta có chết hay không? Tôi có thể khẳng định: Không bao giờ!
* Cảm giác được hát lại trên quê hương của mình sau 13 năm như thế nào, thưa ông?
– Tôi thực sự rất vui mừng vì thấy cô bác vẫn còn mến thương tôi như thuở nào. Tất nhiên, cây càng ngày càng cứng rắn còn người thì ngày càng hao mòn sinh lực, vì lẽ đó, khi mình lớn, trải qua những năm tháng với sự làm việc, bệnh tật hao mòn, năng lực của mình không thể nào là 10/10 được. Tôi vẫn thường nói với quý khán giả rằng quý vị thương tôi, tôi rất cám ơn. Tôi giờ đây không khác gì cây mía đã đốn xuống rồi, cái khúc nào đã hư thì cô bác bỏ đi, còn chỗ nào dùng được thì cô bác cứ dùng và thưởng thức hương vị của nó.
* Giọng hát của ông được rất nhiều người yêu mến và có nhiều nghệ sĩ sau này học hỏi cách hát đó. Ông nghĩ sao về điều này? Các nghệ sĩ có nên hát thật giống thần tượng của mình hay nên tìm một nét riêng thì sẽ hay hơn?
– Chúng ta lấy hoa để làm ví dụ, hoa nào mà không đẹp. Hướng dương, hoa hồng, thược dược quý theo kiểu hoa hồng, thược dược, hướng dương. Còn hoa đồng cỏ nội tuy rằng không hương, không sắc lắm nhưng chớ quên rằng nó cũng là hoa, nó vẫn có cái đẹp sắc sảo của giống hoa đó. Nếu là người hiểu nghệ thuật, yêu nghệ thuật thì chính mình phải hiểu mình hơn ai hết, biết người biết ta mới có thể thành công trong công việc.
Nghệ sĩ Minh Cảnh (trái) và NSUT Minh Tâm
* Nếu nhớ lại thời đỉnh cao trong sự nghiệp của mình trước đây, ông thấy vai diễn hay bài hát nào mà ông yêu thích nhất?
– Một là tôi rất thích đóng những vai tu, ca những bài tu. Hai là tôi thích ca về những nhân vật lịch sử oai hùng của cha ông ta như đức Hưng Đạo Vương, đức Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, vua Quang Trung. Thứ ba, tôi rất thích vai Bách Kiếm Vương Hồ Vũ trong vở Mùa xuân trên Bạch Mã Sơn. Tôi thích rất nhiều khía cạnh ở vai đó, thứ nhất là về cá tính, tình yêu. Tôi tôn trọng tình yêu của Bách Kiếm Vương Hồ Vũ, yêu như vậy mới thật là yêu. Khi hai người yêu nhau thì họ thích hưởng trái ngọt của tình yêu, đó là sự bình thường, là lý thường tình không ai trách cứ. Nhưng cũng có những tình yêu mà mình yêu thầm trong tâm hồn, bằng trái tim, bằng từng giọt máu của mình thì đó mới thực là chân giá trị của tình yêu. Vai Bách Kiếm Vương Hồ Vũ đứng vào khía cạnh đó nên tôi yêu. Ngoài ra cái để tôi yêu vai đó là mặc dù nhân vật là người tài ba, giỏi võ, “bách kiếm” nghĩa là đã thắng được 100 người tài ba về kiếm thuật, trong võ nghệ là thuộc về thượng đẳng, không ai sánh bằng, nhưng ông ta rất khiêm nhường, không cao ngạo, không hiếu thắng, không háo sắc và luôn luôn đem tài ba của mình để giúp kẻ yếu. Đó là những nghĩa cử rất cao đẹp mà có thể những người thuộc phái “hắc đạo” vẫn phải cúi đầu tâm phục.
* Giọng ca Minh Cảnh được nhiều người yêu thích và đánh giá là rất riêng, đặc biệt, không dễ lẫn lộn với giọng ca khác. Không biết giọng hát của ông là do bẩm sinh vốn có hay ông đã cố tình rèn luyện tạo ra cách hát đó để tạo một nét riêng?
– Về cách ca của tôi, trong giới nghệ thuật đã dành cho tôi một biệt danh là “Chưởng môn” trường phái thứ hai (hát theo kiểu ca hơi dài, có nhiều nhấn nhá, luyến láy trong cách hát – PV), “chưởng môn” trường phái thứ nhất là đã dành cho đệ nhất danh ca cải lương Út Trà Ôn (hát theo cách chân phương – PV). Tất cả những việc gì, khi mình muốn tạo cho nó nên hình nên sắc thì mình phải nắn nót từ bước một. Nghĩa là chúng ta phải có sự tìm tòi, nghiên cứu, chăm chút, học hỏi và phải biết ghép vào làm sao, chỗ nào cho đúng hình để khi đem ra thử nghiệm, thấy cái nào được nhiều khán giả yêu mến thì đó có thể gọi là sự thành công và từ đó chúng ta phát triển, tìm tòi thêm.
* Ông đã rèn luyện và nuôi dưỡng cách ca riêng của mình như thế nào để có được sự thành công và tạo nên một trường phái hát riêng?
– Theo ý thiển nghĩ của tôi, dù là một tiếng sóng vỗ, dù là một tiếng kẽo kẹt của tiếng võng đưa, hay tiếng rít của chiếc giường tre đã cũ kỹ, tiếng rầy la quát tháo hay là tiếng giận hờn… trong đó đều mang âm hưởng của kịch nhạc. Bởi lẽ vậy, tôi dã nghiên cứu từng giọng ca của các bậc tiền bối như đệ nhất danh ca Út Trà Ôn, các bậc đàn anh Thành Được, Hữu Phước, rồi tôi nghe những giọng ca của những em bình thường, có đôi khi các em ca bị lạc giọng mà theo tân nhạc gọi là “ca phô”, còn theo cổ nhạc là “ca đâm hơi”, tôi vẫn lấy hết những điều đó để tôi chiết nó lại, như người thầy thuốc, có những loại độc tố có thể gây chết người nhưng đừng quên rằng trong những độc tố đó vẫn có thể dùng được để trị bệnh. Nếu mình am tường và hiểu sâu sắc cả những cái hay và cái dở như vậy, thì mới rèn luyện giọng hát thành công.
* Nếu muốn gửi một lời gì đó đến khán giả, ông sẽ nói gì?
– Tôi nói rằng tên Minh Cảnh của tôi có được như ngày nay là do nơi toàn thể quý khán giả thân kính đã dưỡng nuôi. Cho nên, bổn phận của một người nghệ sĩ, tôi tình nguyện sẽ phục vụ lời ca tiếng hát của tôi cho đến hơi thở sau cùng. Còn nếu tôi không còn sức nào để ca được nữa tôi cũng sẽ cố gắng nói một câu rằng “dầu xác thân này đã bỏ đi nhưng tâm linh tôi vẫn luôn luôn nhớ, ghi ơn sự dưỡng nuôi, nâng niu của khán giả”. Tôi luôn mong cầu lời ca tiếng hát của tôi vẫn làm cho khán giả vui lòng. Mỗi khi khán giả vỗ tay, tôi không kiêu hãnh vì nghĩ mình hay, mà tôi mừng vì tôi đã làm tròn bổn phận của một nghệ nhân, để đáp lại tình nuôi dưỡng thương yêu của khán giả.
* Xin cảm ơn ông !
Danh ca Minh Cảnh nguyện hát phục vụ khán giả đến hơi thở cuối cùng