Nhiều nghệ sĩ và các nhà nghiên cứu đã ví von Hội thảo “Nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật sân khấu trong thời kỳ mới” như một “Hội nghị Diên Hồng” nhằm giải cứu ngành sân khấu.

Đã lâu lắm rồi, giới sân khấu mới có một cuộc gặp của nhiều tên tuổi sáng giá đến vậy và điều quan trọng là họ đã cùng đưa ra những báo động đỏ về sự khủng hoảng của sân khấu hiện nay và kêu cầu sự trợ giúp.

 Vở “Nghêu Sò Ốc Hến” của Nhà hát Tuồng VN

 

Sân khấu đang ở… khoa hồi sức cấp cứu!

“Nhìn vào diện mạo sân khấu hiện nay, có cảm giác sân khấu đang nằm ở khoa hồi sức cấp cứu và những người làm nghệ thuật, công chúng đang chứng kiến sự sống yếu ớt của nó giống như người bệnh mắc những căn bệnh trầm kha ở giai đoạn cuối khó cứu vớt”, sự ví von của NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN phần nào diễn tả một thực tế đó là sân khấu đang cực kỳ bế tắc… Câu chuyện kể khó, kể khổ của sân khấu đã thành chuyện thường ngày ở huyện, tuy nhiên lần này chính những vị lãnh đạo hội nghề nghiệp và cả những nghệ sĩ sáng tạo ra các tác phẩm đều đã thẳng thắn mổ xẻ từng vấn đề cụ thể, thậm chí nêu tên đích danh trách nhiệm của từng cá nhân.

NSƯT Trần Minh Ngọc, Trưởng ban lý luận phê bình, Hội Nghệ sĩ sân khấu VN đánh giá chung về diện mạo sân khấu hiện nay quá lạc hậu, chậm phát triển so với hiện thực đang thay đổi nhanh theo đà phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội. Đã thực sự có nhiều đổi mới trong văn hóa, nghệ thuật … Nhiều mâu thuẫn mới nảy sinh, thậm chí cả xung đột giữa các thế giới mới – cũ, trong khi đó, sân khấu chúng ta chỉ quanh quẩn với các đề tài về quá khứ lịch sử, về đời sống hằng ngày với những mâu thuẫn cá nhân, vụn vặt, đời thường… “Mò mẫm làm sân khấu theo thị trường mà không nắm được quy luật sẽ dẫn đến bế tắc. Chẳng hạn, các sân khấu xã hội hóa ở phía Nam chạy theo thị hiếu của một bộ phận khán giả đã biến sân khấu thành một thứ “nghệ thuật tiêu dùng”, biến khán giả thành người thụ động, người chứng kiến những “trò” kinh dị, đồng tính, ma mị”, NSƯT Trần Minh Ngọc nhấn mạnh.

Hội thảo quy tụ rất nhiều thành phần (do Hội Nghệ sĩ sân khấu VN phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Tuyên Quang tổ chức). Điều đáng tiếc nhất là thiếu vắng rất nhiều các vị trưởng đoàn, giám đốc các đơn vị nghệ thuật sân khấu. Bàn về nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật sân khấu trong thời kỳ mới thì chính những vị lãnh đạo, chỉ đạo nghệ thuật là những nhân tố quan trọng, những người chèo lái quyết định số phận cho từng đơn vị và tạo nên tác phẩm lại vắng mặt, lẽ ra họ là đối tượng cần phải nghe nhất. Trong khi đó, đích thân vị Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN, NSND Lê Tiến Thọ đánh giá điểm thiếu lớn nhất hiện nay ở bình diện chung các đơn vị công lập và ngoài công lập chính là đang đánh mất vị trí tiên phong của nghệ thuật sân khấu, né tránh những xung đột, không có tính dự báo, định hướng xã hội, nhiều tác phẩm nghệ thuật đang ở tình trạng minh hoạ, là cái bóng đang đuổi theo sự phát triển của xã hội. Vậy vai trò của lãnh đạo đơn vị nghệ thuật và chỉ đạo nghệ thuật ở các đơn vị hiện nay đang ở đâu?

Có rất nhiều ý kiến cho rằng những người làm công tác phê bình lý luận hoàn toàn bế tắc trước hiện trạng của sân khấu. Sân khấu xuống cấp, tác phẩm kém chất lượng nhưng không hề thấy những bài phê bình đánh giá thực chất để những người làm nghệ thuật có thể soi vào và sửa mình. Tác giả Nguyễn Hiếu nhận định: “Ở nước ta hiện nay không có một tên tuổi nào xứng đáng được gọi là nhà phê bình sân khấu, kể cả Nguyễn Văn Thành hay TS Nguyễn Thị Minh Thái…, những người được giới sân khấu coi là am hiểu và gắn bó lâu năm với kịch trường. Tại sao lại có tình trạng lĩnh vực phê bình ngày càng yếu kém như vậy? Đó là do thói quen thích nghe lời hay, thích tán tụng, ngại bị phê phán là một căn bệnh khó chữa”. Một trong những nguyên nhân khiến các cây bút phê bình trở nên thiếu tính chiến đấu xây dựng bởi sợ bị ghét bỏ, bị cô lập khi dám “phê bình” thẳng thắn…

Chấp nhận “đồ ăn nhanh” nhưng không bị ngộ độc…

PGS.TS Trần Trí Trắc cho rằng trong cơ chế thị trường hôm nay, nghệ thuật sân khấu VN có hai dòng sáng tạo chính là “tinh hoa” và “đại chúng”. Dòng “tinh hoa” muốn đổi mới trước hết phải có Mạnh Thường Quân biết kinh doanh để chăm lo. Trước đây Nhà nước là Mạnh Thường Quân đối với sân khấu bởi cơ chế bao cấp, nhưng sự bao cấp cào bằng và hào phóng quá đã làm cho nghệ sĩ “vô dụng” tạo ra “nhiều tác phẩm yếu, thiếu tác phẩm hay”. Theo PGS, TS Trần Trí Trắc, chính bản thân Nhà nước cũng cần có đổi mới trong đầu tư để tạo hiệu quả cao hơn với những tác phẩm tư tưởng cao, có nghệ thuật hấp dẫn. Mặt khác, dòng “đại chúng” cũng cần hướng tới thị hiếu khán giả, hoà vào cảm xúc thẩm mỹ, hoà vào thời công nghiệp hoá, hiện đại hoá giống như “đồ ăn nhanh” nhưng không bị ngộ độc… Cũng nhìn ở góc độ đầu tư cho tác phẩm, NSƯT Trần Minh Ngọc cho rằng, đã tới lúc các nhà quản lý cần thay đổi cách làm kiểu xin – cho, đối xử công bằng, hợp lý giữa trong và ngoài công lập. Việc đầu tư cho sáng tác nên theo việc xét duyệt các dự án thông qua thẩm định chất lượng.

Thật kỳ lạ năm nào giới sân khấu cũng có hàng loạt giải thưởng từ chính Hội nghề nghiệp là Hội Nghệ sĩ sân khấu VN cho đến những giải thưởng tại các cuộc thi, liên hoan cho từng loại hình nghệ thuật, lực lượng nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu ngày càng nhiều. Câu hỏi đặt ra chính với những người làm sân khấu là vì sao một đội ngũ những người làm nghệ thuật sân khấu hùng hậu là vậy mà vẫn để cho sân khấu bị tụt dốc? Bên cạnh sự chờ đợi những chính sách mới ưu đãi cho những thành phần sáng tạo sân khấu từ Nhà nước thì tại sao những người sáng tạo ra tác phẩm sân khấu không tự thay đổi mình, thay đổi tư duy làm nghệ thuật để tiếp cận thực sự với khán giả.

Qua những ý kiến đóng góp từ hội thảo cũng như yêu cầu từ thực tiễn, Ban sáng tác của Hội Nghệ sĩ sân khấu VN sẽ rà soát lại đội ngũ, đặc biệt là tác giả trẻ để tập huấn, đào tạo nuôi dưỡng tác giả trẻ; Mở rộng đầu tư sáng tác cho sân khấu thử nghiệm để tạo nên hình thức sân khấu mới; Tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu để lựa chọn tác phẩm có chất lượng, sau đó đầu tư cho dàn dựng biểu diễn; Hội sẽ tổ chức mời các nhà lý luận đi xem tác phẩm sau đó có trao đổi bàn tròn và có những tác động qua lại với đối tượng sáng tạo; Sẽ tổ chức các cuộc hội thảo để đánh giá các cuộc thi, liên hoan của Bộ VHTTDL và của Hội tổ chức; Hội sẽ kiến nghị với các cơ quan chức năng xây dựng hay sửa đổi Luật Di sản văn hóa để xã hội quan tâm bảo tồn, phát triển nghệ thuật sân khấu; Xây dựng Quy chế tự do sáng tác; Xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển nghệ thuật sân khấu VN…

(NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN)

Nguồn: Theo Thúy Hiền báo văn hóa

Hội nghị Diên Hồng” giải cứu sân khấu

Nhận xét bài: Hội nghị Diên Hồng” giải cứu sân khấu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *