Được mệnh danh là Cải lương chi bảo, tự nhận mình được ‘tổ đãi’ nên mới có một sự nghiệp rực rỡ từ năm 16 tuổi, Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết nay ở tuổi 73 vẫn đau đáu một lòng mong muốn vực dậy cải lương bởi ‘nghiệp và nghề’ đã theo bà như hơi thở, máu thịt suốt cả đời người.

NSND Bạch Tuyết và cố nghệ sĩ Thanh Sang

Muốn lớp trẻ yêu thích cải lương, phải có “ngôn ngữ” phù hợp

Nhiều người khá bất ngờ khi thấy bà lập kênh riêng có tên Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Bạch Tuyết trên YouTube để tải lên những clip cải lương tự thu âm, cover (hát lại) các ca khúc nhạc trẻ đang được yêu thích qua hình thức ca vọng cổ. Vì sao bà lại có ý tưởng để làm điều khá… trẻ trung đối với một nghệ sĩ cải lương “cây đa cây đề”?

Có nhiều bạn nói: “Cô ơi, con chưa biết cải lương là gì, nhưng bây giờ nghe cải lương sao con thấy thích quá”. Tôi xúc động
 Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết
Tôi vẫn còn trẻ trung lắm và cập nhật đủ thông tin giải trí, theo dõi nhạc trẻ trên thế giới cũng như VN, chứ không có nhốt mình. Khi nghe ca khúc Em gái mưa của Mr Siro, Hương Tràm hát, hay Đừng hỏi em do Mỹ Tâm sáng tác, Sống xa anh chẳng dễ dàng – Mr Siro sáng tác, Bảo Anh hát, Chạm khẽ tim anh một chút thôi của Tăng Nhật Tuệ, Noo Phước Thịnh trình bày,Lạc trôi của Sơn Tùng M-TP, hay cả Người lạ ơi..., tôi thấy thú vị, rung động, nhìn được dòng suy nghĩ, cuộc sống của các bạn trẻ hôm nay. Rất nhiều bạn trẻ vào comment (bình luận) nói: “Cô ơi, ra bài này nữa đi” và giới thiệu nhiều bài nhạc trẻ hay cho tôi. Thông qua những bản cover nhạc trẻ, tôi đưa vào những bài bản cải lương với những điệu thức Phượng hoàng, Lý ngựa ô Nam, Xuân tình, Duyên kỳ ngộ… Biết đâu được, các bạn trẻ khi thích những bài hát đó sẽ tìm hiểu để đến gần với cải lương hơn. Muốn lớp trẻ hiểu và yêu thích cải lương thì phải có “ngôn ngữ” phù hợp với giới trẻ, nói được những vấn đề của giới trẻ đang quan tâm.

Nhiều người cho rằng ca từ trong các ca khúc nhạc trẻ thị trường bây giờ sướt mướt, ủy mị. Bà không ngại mọi người nói “cây đa cây đề” mà lại chọn hát những ca khúc như thế?
Tôi không sợ phản bác, bởi vì tôi thấy mọi thứ rất dễ thương. Chúng ta phải biết chấp nhận sự khác biệt để làm nên những điều đẹp đẽ. Tôi không nghĩ tôi là “cây đa cây đề” mà chỉ là người đi hát nhiều năm. Đến bây giờ khán giả vẫn còn thương thì tôi cảm thấy mình không lạc thời, chứ không phải lạc hậu vì tôi không đi phía sau thời cuộc (cười). Tôi cảm ơn tất cả bởi vì nếu khen thì làm cho tinh thần mình lên, còn chê thì cũng giúp mình biết sửa cho hay hơn và để mình tỉnh táo, không ở trên mây. Trong cải lương có một câu rất hay, đó là: “Nếu người ta thương, tôi xin cúi đầu cảm ơn; còn nếu người ta ghét thì tôi cũng xin gật đầu cảm tạ!”.
Sau khi ra những MV ca cổ hát lời nhạc trẻ, bà nhận thấy tình cảm của mọi người dành cho cải lương như thế nào trên fanpage cũng như trên kênh YouTube của bà?
Có nhiều bạn nói: “Cô ơi, con chưa biết cải lương là gì, nhưng bây giờ nghe cải lương sao con thấy thích quá”. Tôi xúc động. Khi tôi làm, tôi thấy bình thường, nhưng khi được nhiều người yêu thích cải lương, tôi cảm thấy mình đã làm được một nhiệm vụ rất thiêng liêng. Một sự kết nối tuyệt vời giữa âm nhạc dân tộc và nhạc trẻ thời đại và đó là một giá trị!
Tâm huyết của bà khiến nhiều người xúc động. Đây có phải là khao khát lớn nhất của bà ở tuổi này dành cho bộ môn nghệ thuật cải lương?
Bài học mà tôi được những người thầy mình từng dạy: “Cải cách hát ca theo tiến bộ. Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”. Vì vậy, để cải lương đi cùng với thế hệ trẻ, cùng hòa chung “nhịp đập” của thời đại là điều mà tôi luôn mong mỏi và hướng đến! Đó cũng chính là cách để tôi gửi lời cảm ơn đến những bậc tiền bối, những người thầy hết sức nhân cách đã tạo ra loại hình cải lương tuyệt vời này. Hiện tại cải lương không có nhiều rạp, lại chỉ có những vở cũ, không có vở mới hay, thì người ta quay lưng ngoảnh mặt là chuyện bình thường. Tôi thấy thương các nghệ sĩ trẻ của cải lương hiện tại bởi những tác phẩm đo ni đóng giày cho họ hiện giờ không có, để họ có thể tỏa sáng tài năng. Điều đó làm các bạn trẻ thiệt thòi, khiến tôi cũng xót xa lắm. Tôi tin thời nào cũng sẽ có những người giỏi thôi.
NSND Bạch Tuyết làm giám khảo chương trình Sao nối ngôi
Luôn học hỏi để có được ngày hôm nay
Bà hiện đã cao tuổi mà trông vẫn rất khỏe trẻ và đẹp nữa. Bà có tự lý giải vì sao không?
Từ nhỏ tôi ở nội trú trường dòng, đã học cách đối xử để làm sao hình thành nên được một nhân cách tốt. Tôi luôn cố gắng làm sao có được hơi thở thanh khiết và một cái đầu thông thoáng. Cách nhìn cuộc sống của tôi là: biết ơn nhiều hơn là trách móc và tự thân đi lên. Bên cạnh đó, cách đây 40 năm, tôi đã được học thiền ở Đà Lạt. Là một nghệ sĩ, phải có trách nhiệm với công chúng, cho nên tôi luôn rất kỹ càng và có kỷ luật trong việc ăn – uống – ngủ – nghỉ để có sức khỏe tốt, tinh thần tốt và trái tim mình được rộng mở. Má Bảy Phùng Há ngày xưa luôn căn dặn tôi rằng: “Khán giả đã quá thương con, thì con nhớ phải ráng luôn tươm tất để đừng phụ người ta!”.
16 tuổi, bà đã sống cuộc đời trôi nổi theo những gánh hát?
Theo gánh hát, nhưng đời tôi không trôi nổi. 16 tuổi, vô đoàn hát 6 tháng là tôi đã được báo chí đăng bài rầm rộ, với những từ như “chim lạ bay vào làng nghệ thuật”. Trong nghề gọi tôi là “con cưng của tổ nghiệp”. Cải lương ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh, cho nên nghệ sĩ cũng sống theo kiểu “gạo chợ nước sông”, ai được ăn học cũng hiếm lắm, nên tôi được chú ý vì ngay từ khi trong trường trung cấp, tôi đã là cô đào học giỏi nhất rồi. Đào chính luôn có một vị trí riêng trong đoàn, ít khi nào chơi với các vũ nữ hay vệ sĩ vai phụ, nhưng tôi lại lân la chơi hết, bởi vì tôi thấy ở họ có cách múa rất đẹp, tôi muốn học thêm; có người lại đánh kiếm cực giỏi, tôi cũng học luôn, với cách nói khiêm tốn thật lòng là: giúp giùm tôi vì tôi mới vào đoàn chưa biết nhiều thứ. Thế nên, 3 tháng sau, ra diễn trên sân khấu, mọi thứ đối với tôi đã thuần thục rồi, không có gì ngượng ngập cả.
Với những tâm sự như: “Tôi mất mẹ từ khi 8 tuổi, và bất cứ đứa trẻ mồ côi nào cũng sợ nghèo đói nên luôn nhắc mình cần phải học hành, làm việc cật lực”, nhiều người cũng muốn biết NSND Bạch Tuyết đã vượt qua như thế nào để có được danh xưng Cải lương chi bảo và cả học hàm tiến sĩ nghệ thuật học?
Tôi luôn chịu học hỏi để có được ngày hôm nay. Sự thành công của tôi trong nghề hát là được những người thầy xuất sắc của cải lương chỉ dạy như nghệ sĩ Phùng Há, Năm Châu, Kim Cúc, Tám Vân…, cộng với sự may mắn của bản thân. Hồi mới 16 tuổi, có một đoàn hát còn hai tuần nữa khai trương nhưng cô đào chính bỏ sang gánh khác, lúc đó soạn giả Điêu Huyền đã chấm tôi cho gánh hát để dạy dỗ. Tôi bắt đầu nghề đào chính với đoàn Kiên Giang, hát chung với kép Sinh Đức vở đầu tiên có tên Lá thắm chỉ hồng của soạn giả Điêu Huyền – người sau đó đã nhận tôi làm con nuôi để đừng có ai ăn hiếp trong đoàn. Việc học đúng thật là sở thích của tôi, cho nên mọi sự học hành đối với tôi rất thuận lợi để sau này tôi có thể học lên tới tiến sĩ tại Nga, Anh. Sau khi đoạt giải Thanh Tâm triển vọng, tôi còn đoạt thêm giải Thanh Tâm xuất sắc – một danh hiệu cao quý thời bấy giờ. Nhờ vở tuồng Tuyệt tình ca với vai Lê Thị Trường An, vở Nỗi buồn con gái, tức Tần nương thất của tác giả Hà Triều – Hoa Phượng, và vở Xe cát biển Đông mà soạn giả Hoa Phượng đã nói với soạn giả Kiên Giang rằng: “Bạch Tuyết là Cải lương chi bảo vì có biệt tài sáng tạo thông minh và sẽ còn tiến xa nữa, nếu diễn những vai khó hơn”. Năm 1979, tôi được đoàn Trần Hữu Trang mời về hát, rồi ra mắt vở diễn Thái hậu Dương Vân Nga lẫy lừng khắp cả trong lẫn ngoài nước.
Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết: Đem cải lương đến gần giới trẻ - ảnh 4

 

NSND Bạch Tuyết tặng quà cho nghệ sĩ neo đơn tại Viện Dưỡng lão TP.HCM

Nghệ sĩ dân tộc không thể sống không có tổ quốc !
Đóng vai chính và là ngôi sao từ thời xuân sắc cho đến nay, hẳn NSND Bạch Tuyết hiện tại có cuộc sống rất giàu có, vì như bà nói nếu ai có giải Thanh Tâm thì sẽ đổi đời, cát sê tăng cao chóng mặt và được nhiều bầu gánh săn đón?
Tôi sống được bằng nghề đi hát. Tôi luôn nhớ lời ba và bà nội dạy: “Trong đời, tốt nhất là hãy chuẩn bị cho mình mọi thứ để không làm phiền ai”. Tôi thấy mình giàu có bởi hiện tại muốn giúp đỡ ai đó thì tôi có khả năng tương đối. Giá trị của cuộc sống là cảm thấy mình hữu ích!
Hiện giờ bà sống với ai, có người bên cạnh chia sẻ cùng bà ở tuổi này không?
Tôi có một người con trai. Đây là đứa con mà tôi phải đi cầu xin Trời Phật nhiều lắm, bởi vì bác sĩ nói tôi không có con được, nhưng tôi vẫn có niềm tin. Và cuối cùng tôi cũng có được một đứa con trai. Con tôi hiện sống ở Mỹ. Dù ở xa nhưng hai mẹ con vẫn nói chuyện với nhau đều đặn. Tôi một mình nhưng lúc nào cũng có người thân bên cạnh.
Bà có dự định đi nước ngoài sống đoàn tụ với con trai?
Dù là con tôi nhưng tôi luôn nghĩ các bạn trẻ có công việc của họ và mình cũng có sứ mệnh của mình. Một nghệ sĩ dân tộc thì không thể sống mà không có Tổ quốc! Khi không có quê hương, đất nước thì họ không thể tồn tại. Tôi nói là tôi làm, bởi vì tôi có một người chồng (đã mất cách đây 3 năm) cũng có 2 học hàm tiến sĩ, sống ở Pháp. Tôi sống với ông hơn 30 năm nhưng tôi vẫn giữ quốc tịch VN, bởi vì tôi là nghệ sĩ cải lương của VN. Ở đây, tôi đi đến đâu người ta cũng gọi: “Bạch Tuyết, Bạch Tuyết”, quá dễ thương và ấm áp. Vậy thì tôi phải chọn một nơi nào khác sống để làm gì!

NSND Bạch Tuyết tên thật là Nguyễn Thị Bạch Tuyết, sinh ngày 24.12.1945 tại làng Khánh Bình, TX.Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Năm 1963, bà đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm triển vọng. 1965, đoạt tiếp giải Thanh Tâm xuất sắc. Một số vai diễn thành công và tạo dấu ấn đặc biệt: vai cô Lựu (trong vở Đời cô Lựu), vai Dương Vân Nga (Thái hậu Dương Vân Nga), Kiều Nguyệt Nga (Kiều Nguyệt Nga), Thúy Kiều (Kim Vân Kiều), Lê Thị Trường An (Tuyệt tình ca)…
Năm 1985 (40 tuổi), Bạch Tuyết bước vào giảng đường đại học và có được bằng cử nhân ngữ văn. Năm 1988, bà được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Năm 1995, bà bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài Sự thích nghi của nghệ thuật sân khấu dân tộc cổ truyền của các quốc gia Đông Nam Á, trở thành tiến sĩ nghệ thuật cải lương đầu tiên của VN. Năm 2012, bà được phong tặng danh hiệu NSND.

” Ngưỡng mộ sự nghiệp và nhân cách của NSND Bạch Tuyết. Phải nói cô là một biểu tượng tài năng trong giới hoạt động nghệ thuật VN, đặc biệt là với riêng bộ môn cải lương. Gần đây, khi thấy cô xuất hiện với những clip hát ca khúc nhạc trẻ bằng hình thức cải lương, tôi cũng thấy thú vị, vì sự trẻ trung, gần gũi của cô. Đúng là trong nghệ thuật, không có già hay trẻ. Phải nói là các em ca sĩ, nhạc sĩ trẻ được cô chọn bài hát để chuyển thể ca cổ đã có được hạnh phúc lớn, khi cô là người lớn nhưng vẫn không nề hà hát lại giúp ca khúc của các em nổi tiếng hơn và sâu xa hơn tất nhiên là để cải lương đến gần với khán giả trẻ”.

Ca sĩ Phương Thanh

” Dù là trong suy nghĩ, tôi cũng không muốn mình đưa ra cảm nhận gì về sự nghiệp của cô Bạch Tuyết (xin phép được gọi NSND Bạch Tuyết như vậy cho gần gũi). Vì tôi có bày tỏ bao nhiêu lời khen tặng cũng không thể nào chính xác, để có thể hiểu hết những giá trị mà cô đã cống hiến cho sự nghiệp – điều đó thật sự quá sức tôi. Tôi chỉ biết dành sự mến mộ và kính trọng tuyệt đối khi nói về những thành tựu vô giá của cô trong suốt nửa thế kỷ qua. Biết bao nhiêu thế hệ khán giả vẫn không ngừng yêu thương và nhắc về cô, trong đó có rất nhiều khán giả của tôi. Khi tôi vinh hạnh được cô hát cho nghe lần đầu phiên bản cải lương ca khúc của mình, tôi chợt nhận ra cảm xúc và tính nghệ thuật trong bản gốc của tôi dường như được nghệ thuật ca cổ của cô tăng thêm nhiều tầng trong màu áo mới, làm cho những gì tôi viết ở bản gốc trở nên thật sự huyền diệu hơn rất nhiều, khiến trong lòng tôi chỉ nghĩ đến một từ về cô – đó là BIẾT ƠN!”

Nhạc sĩ Mr Siro (tên thật là Vương Quốc Tuân)

Em gái mưa – một bản nhạc hít được NSND Bạch Tuyết hát dưới phiên bản cải lương

Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết: Đem cải lương đến gần giới trẻ

Nhận xét bài: Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết: Đem cải lương đến gần giới trẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *