Câu chuyện “tay ba” Tam Lang – Bạch Tuyết – Hùng Cường gắn liền với chiếc cúp Merdeka năm 1966. Thời ấy, giải Merdeka giống như giải Châu Á thu nhỏ.
Một tờ báo ở Sài Gòn khai thác chuyện “tay ba” Tam Lang – Bạch Tuyết – Hùng Cường.
Các tuyển thủ miền Nam đã vượt qua các đội Thái Lan, Nhật Bản, Hồng Kông, Miến Điện… để bước lên ngôi vô địch. Chiếc cúp Merdeka 1966 gắn liền với tên tuổi của thủ quân đội tuyển miền Nam là Phạm Huỳnh Tam Lang. Ít người biết rằng, chiếc cúp danh giá này còn có dấu ấn của đôi “sóng thần” cải lương thời bấy giờ là Hùng Cường – Bạch Tuyết.
Xem cải lương trước khi đi dự giải đấu lớn
Giải Merdeka năm 1966 được đánh dấu lần tổ chức thứ 10 liên tục, với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ sừng sỏ về bộ môn bóng tròn là: Đại Hàn (Hàn Quốc ngày nay), Nhật Bản, Miến Điện (Myanmar), Kuwait, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Nam Việt Nam và nước chủ nhà Malaysia. Một món quà bất ngờ đến với đội tuyển trước khi đi Malaysia 3 ngày.
Sau buổi tập sáng, đích thân ”ngôi sao” cải lương Hùng Cường và bầu Xuân (đoàn Dạ Lý Hương) đến mời toàn đội tới chiêu đãi 1 suất hát tại rạp Quốc Thanh. Nếu chuyện này diễn ra vào năm 2013, ắt hẳn là khá buồn cười nhưng vào thời điểm năm 1966, khi mà cải lương đang thời vàng son, còn các cầu thủ bóng đá chưa cao giá thì lời mời trên là rất vinh dự.
Sở dĩ có cuộc “chiêu đãi” suất hát cải lương này là do Hùng Cường rất mê bóng đá, ông đã bàn với bầu Xuân tổ chức buổi “chiêu đãi”, vừa để quảng bá cho đoàn hát Dạ Lý Hương. Trước giờ kéo màn, bầu Xuân nói vài lời phi lộ và chúc đội tuyển lên đường thi đấu thành công. Các cầu thủ được mời lên sân khấu chào khán giả và để đoàn hát tặng hoa. Cô đào hát nổi tiếng Bạch Tuyết bước đến trước thủ quân Phạm Huỳnh Tam Lang trao bó hoa tươi thắm.
Sau này Tam Lang đã có lần thừa nhận là ngay ở lần chạm mặt đầu tiên ấy, “cải lương chi bảo” Bạch Tuyết đã hớp hồn chàng cầu thủ tài hoa từng được gọi vào đội tuyển bóng đá Châu Á. Không biết “cải lương chi bảo” Bạch Tuyết gửi gắm gì trong bó hoa, mà tại Kuala Lumpur sau đó mấy ngày Tam Lang đá như “lên đồng”. Tam Lang đóng vai trò quan trọng đưa đội tuyển miền Nam đoạt ngôi vô địch tại “chảo lửa” Kuala Lumpur.
Chuyện tình Tam Lang – Bạch Tuyết
Lần gặp nhau đầu tiên vào tháng 8 năm 1966 khi Bạch Tuyết tặng hoa cho thủ quân Tam Lang, giữa họ đã nổ ra tiếng sét ái tình. Thủ quân Tam Lang chợt thấy lòng lâng lâng, giúp anh thanh thoát đôi chân trong những trận cầu căng thẳng sau đó ở Malaysia.
Còn Bạch Tuyết, suốt thời gian dài theo gánh hát cải lương thường lênh đênh trên những chiếc ghe biểu diễn khắp vùng sông nước, nên bà luôn cầu trời ban cho mình một tấm chồng trên bờ. Và bà đã được toại nguyện khi gặp Phạm Huỳnh Tam Lang, cầu thủ bóng đá đang rất nổi danh- không chỉ ở Sài Gòn- mà cả Châu Á.
Sau khi đội bóng đoạt ngôi vô địch trở về, Tam Lang thường xuyên đến đoàn Dạ Lý Hương, nhưng không phải để coi hát cải lương, mà là để thăm Bạch Tuyết. Tính tình hiền hòa, cử chỉ ân cần, phong cách lịch lãm của chàng cầu thủ bóng đá lừng danh Châu Á đã nhanh chóng chinh phục trái tim của cô đào cải lương đang nổi như cồn trên đất Sài Gòn. Họ cưới nhau sau đó gần 1 năm. Thời đó, ở Sài Gòn thanh niên nam nữ rất ngưỡng mộ chuyện tình Tam Lang – Bạch Tuyết mà họ cho là “đẹp như huyền thoại”.
Thế nhưng, cuộc tình tưởng như là hoàn hảo của họ chỉ kéo dài được hơn 6 năm. Bạch Tuyết từng có lần tâm sự: “Hai đứa thương nhau, mà như tuồng cải lương vậy đó. Thương nhau mà không có con được nên đành phải xa nhau vì anh Tam Lang là người cực kỳ tốt và có hiếu với gia đình. Sau anh Tam Lang lập gia đình và có một con gái. Hai đứa thương nhau lắm nhưng xa nhau chỉ vì hoàn cảnh thôi. Tụi này vẫn thân quý nhau”.
Bạch Tuyết cũng cho biết, vì bà theo đoàn diễn rày đây mai đó, còn ông Tam Lang cũng thường xuyên đi thi đấu xa nhà, vì vậy mà thời gian họ bên nhau rất ít. Tuy nhiên, đó không phải là lý do chính làm họ xa cách, điều quan trọng là cả hai vợ chồng mong mãi mà chẳng có một mụn con nào.
Bạch Tuyết quan niệm, là phụ nữ mà không sinh được con thì không nên ràng buộc người chồng. Sau đó bà đã lại có chồng và mang thai, sinh được cậu con trai kháu khỉnh. Bố của cháu là tiến sĩ kinh tế ở Pháp về thăm quê, có lẽ đó là duyên tiền định, nhờ đó mà bà có được cuộc sống yên ấm và có điều kiện nâng cao kiến thức sau này. Trong lúc Tam Lang cũng có mái ấm gia đình khác và có được đứa con gái xinh xắn. Âu cũng là duyên số, trời định!
(Còn tiếp)