Dù cách đây nửa thế kỷ nhưng cá tính và vai diễn của Bạch Tuyết và cố nghệ sĩ ưu tú Thanh Nga dưới lời kể của đạo diễn Lê Dân gợi cho tôi nhớ đến nó chỉ mới như ngày hôm qua.

Trong phim Tình Lan và Điệp do tôi thực hiện năm 1972, nghệ sĩ Bạch Tuyết nhận diễn vai Thúy Liễu, một vai chính trong phim này” đạo diễn Lê Dân chia sẻ.
Thần tượng thành “tình địch”

Như tôi đã viết, vào năm 1972, ông Diệp Nam Thắng, tức bầu Xuân, mời tôi làm đạo diễn bộ phim đầu tiên của Hãng Dạ Lý Hương – phim Tình Lan và Điệp. Phim gồm các diễn viên: Thanh Nga (Lan), Thanh Tú (Điệp), Ba Vân (ông Phủ), Ngọc Giàu (bà Phủ), Năm Châu (ông giáo), Kim Cúc (bà giáo), Út Bạch Lan, Dũng Thanh Lâm, Tùng Lâm và Bạch Tuyết vào vai Thúy Liễu.

Lần đầu gặp Bạch Tuyết, tôi có buổi nói chuyện thân mật với cô để xóa bỏ khoảng cách giữa đạo diễn và diễn viên, và cũng để tìm hiểu rõ hơn về cá tính của người nghệ sĩ sắp cộng tác với mình. Tôi nói với Bạch Tuyết đại ý là tôi rất may mắn có được hai người đẹp nổi tiếng đến với phim của mình là Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga và Cải lương chi bảo Bạch Tuyết. Hai người có tính cách đối nghịch nhau, sẽ là đối thủ rất gay cấn trong phim. Sự thành công hay thất bại của phim phần lớn nằm trong tay hai người. Tôi rất tin tưởng ở khả năng và tấm lòng yêu nghề của cả hai.

Bạch Tuyết (Thúy Liễu) và Thanh Tú (Điệp) trong phim – Ảnh: tư liệu

Tôi còn nhớ lúc ấy Bạch Tuyết nhỏ nhẹ bày tỏ: “Thưa anh, tôi không bao giờ muốn là đối thủ của chị Thanh Nga trong nghệ thuật cũng như ngoài đời vì chị ấy là thần tượng của tôi. Chính chị là người đã chỉ cho tôi đi tới chỗ đứng ngày hôm nay”. Rồi Bạch Tuyết cho biết, khi cô được 14 tuổi, là học sinh của Trường Đức Trí, cô thường theo các bạn đi xem Thanh Nga diễn, xem xong còn len qua bao khán giả để xin một tấm hình có chữ ký Thanh Nga. “Đó là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với người nghệ sĩ mình yêu mến. Thật tuyệt vời, cả đêm tôi mất ngủ, cứ mơ màng nhìn thấy chị”. Thời điểm ấy, Thanh Nga nổi tiếng lừng lẫy với vai sơn nữ Phà Ca trong vở Người vợ không bao giờ cưới. Vai diễn xuất sắc này đem đến cho chị huy chương vàng đầu tiên của giải Thanh Tâm, giải thưởng có uy tín của giới sân khấu cải lương miền Nam lúc bấy giờ.

Khi đề cập đến vai Thúy Liễu, tôi hỏi Bạch Tuyết: “Để đem lại niềm vui cho thiên hạ, tôi muốn giao cho em một vai độc ác, thì em nghĩ sao?”. Bạch Tuyết trả lời: “Em sẵn sàng chấp nhận và sẽ đóng vai đó hết sức mình”. Tôi rất vui vì suy nghĩ này nên tôi nói: “Phim của chúng ta có nhiều hy vọng sẽ thành công”. Quả là khi phim ra mắt, khán giả xem phim càng ghét vai Thúy Liễu của Bạch Tuyết bao nhiêu, thì càng thương vai Lan của Thanh Nga bấy nhiêu…

Mối tình Bạch Tuyết – Tam Lang

Có một hôm khi nghỉ giữa các cảnh quay, tôi vui miệng hỏi Bạch Tuyết: “Ông chồng danh thủ đá bóng lừng lẫy của em đâu rồi, sao không bao giờ thấy mặt vậy? Phải giới thiệu cho anh làm quen với chứ!”. Bạch Tuyết mỉm cười: “Anh Tam Lang ấy à? Cuộc sống và nghề nghiệp của hai vợ chồng chúng em quá khác biệt. Sáng sớm 4, 5 giờ, lúc em còn ngủ thì anh ấy đã thức dậy đi tập rồi về trại. Những trận đấu lớn thì phải cắm trại. Em thì sáng đi tập tuồng, chiều đi thu đĩa, tối lại hát, khuya có khi vẫn còn đóng phim. Nhiều khi về chỉ nhìn nhau rồi lại đi tiếp. Em đi lưu diễn ngoài Trung thì anh ấy đá trong Sài Gòn. Em về Sài Gòn thì anh ấy đi nước ngoài. Vợ chồng mà hai đứa cứ như đầu sông, cuối sông vậy. Thú thật với anh, dù có yêu thương nhau thì cũng khó mà chịu đựng mãi tình trạng này”.

Tôi hỏi: “Bạch Tuyết thấy Tam Lang là người như thế nào? Bây giờ có nghĩ mình sai lầm khi quyết định lấy anh ấy làm chồng không?”. Bạch Tuyết trả lời: “Em không sai lầm khi chọn người. Với em, Tam Lang là con người lịch lãm, tài hoa và rất lành. Đến hôm nay vẫn vậy, dù xuất hiện ở đâu, vị trí nào, anh ấy cũng được mọi người yêu mến và ngưỡng mộ. Thời gian đó, không thiếu những đại gia, những người quyền quý theo đuổi em. Nhưng em suy nghĩ nếu lập gia đình thì em sẽ chọn một người tốt, không cần nhiều tiền, cả hai sẽ cùng gầy dựng cuộc sống. Sau lần gặp gỡ với Tam Lang, em nghĩ nhiều về anh ấy và khi anh ấy cầu hôn thì em nhận lời ngay”.

Tôi lại hỏi: “Nhưng cuộc hôn nhân ấy có vẻ không ổn như Bạch Tuyết nghĩ lúc đầu?”. Bạch Tuyết thở dài: “Trong đời em, có hai người đàn ông mà em phải học. Đó là ba em – người luôn hiểu và hết lòng ủng hộ con cái, và Tam Lang – người không thích coi hát nhưng yêu con người thật của em chứ không phải vì em là nghệ sĩ. Em quý trọng hai người ấy vô cùng, nhưng được ở gần nhau lâu dài hay không là do cơ duyên tiền định”.

Bạch Tuyết kết hôn với Phạm Huỳnh Tam Lang năm 1967. Cuộc hôn nhân tan vỡ năm 1974. Hai người không có con chung. Tuy nhiên, đến mãi sau này, hai người đều dành cho nhau những lời tốt đẹp.

Tôi quý trọng Bạch Tuyết không phải vì những bằng cấp và bằng khen, mà vì giá trị thực chất trong con người cô, qua cách nghĩ và cách sống của cô. Theo tôi, Bạch Tuyết là một nghệ sĩ đúng nghĩa, một nghệ sĩ chân chính, là người biết sống vì hạnh phúc cho mình và cho mọi người.

Theo Đạo diễn Lê Dân

 

Người đẹp màn bạc Việt một thời – Kỳ 11: Bạch Tuyết – “đối thủ” của Thanh Nga

Nhận xét bài: Người đẹp màn bạc Việt một thời – Kỳ 11: Bạch Tuyết – “đối thủ” của Thanh Nga

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *