Thanh Kim Huệ – mẹ con cùng theo gánh hát

Thanh Kim Huệ sanh ra tại bệnh viện Từ Dũ, Sài Gòn. Gia đình không ai theo nghiệp hát nhưng do ba mẹ chuyên cho các gánh hát thuê âm thanh nên cứ mỗi đêm út Huệ lẽo đẽo theo ba vô rạp. Những đêm như thế, con bé nhỏ xíu, gầy còm mới 7, 8 tuổi chỉ biết chạy loanh quanh lúc chỗ dàn loa, lúc chỗ chỉnh âm thanh và tiếng đờn ca cứ chấp chới trong đầu.

Vậy mà tự nhiên thấm, tự nhiên ghiền rồi tới một lúc con bé cứ ngồi im ru mê mẩn ngắm ông chúa, bà hoàng trên sân khấu, rồi lẩm nhẩm hát theo hồi nào không hay. Khi đọc chạy chữ thì bé Huệ đã biết cắc củm ít tiền tiêu vặt chạy ra chợ mua tập bài ca về hát nhại theo giọng của Lệ Thủy, Mỹ Châu…

Thấy con bé lanh lẹ nên kép chánh Hoàng Siêu kêu lại chỉ cho hát. 8, 9 tuổi bé Huệ đã leo lên sân khấu đoàn Hằng Xuân – An Khương đóng đào con. Lúc này ba mẹ chia tay nên khi Huệ vô đoàn hát mẹ cũng đi theo để lo cho con. Con hát trên sân khấu thì mẹ xin chân soát vé để có thêm thu nhập.

Hồi đó, do chưa biết cách ca nên ai cũng chê Huệ hát dở. Cô bé lẹt đẹt hoài với vai đào con, tì nữ, múa… Cơm nước đoàn lo, hai mẹ con lại tiện tặn, kiếm được đồng nào cất đồng đó nên dù bị chê, dù lương ít Huệ cũng cảm thấy cuộc sống đoàn hát tương đối dễ thở.

Từ đoàn hát ban đầu, cô đi qua các đoàn Dạ Minh Châu, Hoa Phượng. Sự nghiệp của Huệ bắt đầu khởi sắc hơn khi cô về đoàn Kim Chung được nâng lên đào nhì, đào ba, lúc đó cô mới 13, 14 tuổi. Trong đoàn, có rất nhiều tài danh như Lệ Thủy, Mỹ Châu, Diệu Hiền, Minh Phụng, Minh Vương, Thanh Tuấn, Chí Tâm…

Khác với các nghệ sĩ thường được các bậc tiền bối gợi ý đặt nghệ danh, Huệ tự tìm cái tên trên sân khấu cho mình. Ban đầu cô lấy tên Ngọc Huệ, sau đó thấy không ăn thua cô nghĩ ra nghệ danh Thanh Kim Huệ, không lý giải rõ ý nghĩa cái tên chỉ đơn giản vì cô gái trẻ thích vậy. Một cái tên sáng sủa và mong đợi thời hoàng kim cho chất giọng đẹp.

Thanh Kim Huệ – Đào cưng của các soạn giả

Thanh Kim Huệ không có quá nhiều vai diễn xuất sắc, những vai diễn trở thành khuôn mẫu cho thế hệ sau, nhưng cô có một giọng hát thật sự ấn tượng.

Hồi nhỏ, khi bị chê ca dở, có mấy lần Huệ đâm nản nhưng mê ca quá thì cứ quấn quíu hoài với nghiệp hát. Ban đầu, Huệ bị ảnh hưởng giọng ca hai thần tượng Mỹ Châu, Lệ Thủy nhưng sau đó cô tìm tòi và phá cách.

Giai đoạn để Thanh Kim Huệ trưởng thành khẳng định giọng ca riêng của mình là vào năm 1973, cô được hãng đĩa Việt Nam ký độc quyền với số tiền 200 ngàn đồng (khoảng 200 triệu đồng ngày nay), bài tân cổ đầu tiên là Yêu lầm thâu chung với NSƯT Minh Vương.

Đĩa phát hành được khán giả ủng hộ rần rần, vậy là cô bé Huệ bắt đầu những ngày tháng quần quật trong phòng thu. Sáng vô thu từ 9h sáng tới 5h chiều, buông ra là chạy lẹ về rạp để chuẩn bị cho suất hát tối. Hai năm liền như thế, ngày nào cũng như ngày nào, thu nghe lại rồi rút kinh nghiệm bảo sao cô đào trẻ không tiến bộ vượt bậc và giọng hát ngày càng điêu luyện hơn.

Khi đó, soạn giả Loan Thảo vừa là thầy tuồng vừa phụ trách kỹ thuật ở phòng thu của hãng đĩa Việt Nam. Trong một đêm ông có thể viết tới 10 bài để đáp ứng kịp tốc độ thâu mỗi ngày. Cuối năm 1974, ông cho thâu tuồng Lan và Điệp. Ban đầu vai Lan tính giao cho NSND Lệ Thủy nhưng rồi không biết sao ông kêu Huệ tới thử, ông nói: “Con cỡ tuổi nhân vật Lan chắc hợp hơn!”.

Trong tuồng, Chí Tâm hát vai Điệp còn Thanh Kim Huệ vô vai Lan, dàn bao là các nghệ sĩ Hữu Phước, Tú Trinh, Hùng Minh, Mai Lan… Do chưa biết tiết chế cảm xúc nên tuồng này phải thâu mấy ngày mới xong, vì cứ tới cảnh xúc động là cô Lan – Thanh Kim Huệ bật khóc hu hu, không hát được.

Nhất là đoạn Lan hay tin Điệp cưới vợ, soạn giả Loan Thảo phải biểu cô ra ngoài thơ thẩn cho cảm xúc bớt xuống rồi hãy vô thâu tiếp. Tuồng Lan và Điệp phát hành, không ngờ khán giả khắp nơi mê mệt. Tên tuổi Chí Tâm – Thanh Kim Huệ nổi như cồn. Tên hai nhân vật đã được dùng để gọi Chí Tâm – Thanh Kim Huệ kể từ ngày ấy.

Chính từ phòng thu này mà Thanh Kim Huệ đã khai phá giọng ca của mình. Cô vô vọng cổ lạng lách, có hướng láy láy qua tân nhạc rồi cô xuống xề ngọt xớt làm người nghe thấy thiệt đã. Những buổi trưa hè nóng nực, nằm võng nghe Thanh Kim Huệ ca tự nhiên không gian như ngọt ngào, mát rượi.

Hồi đó, cứ rảnh là cô thử cách ca vọng cổ, bài lý theo âm sắc ba miền. Có lần cô mất cả tháng trời tập bài Lý giao duyên ca theo kiểu Huế, nghe ngộ ngộ, khoái quá cô rù rì với soạn giả Loan Thảo: “Chú viết cho con một bài để con ca Lý giao duyên theo giọng Huế đi!”. Vậy là sau đó có ngay bài Sao không thấy anh về để Huệ thâu chung với Minh Vương.

https://www.youtube.com/watch?v=pi2kCN9W_VY

Khoảng năm 1978, 1979, Thanh Kim Huệ và Trọng Hữu thâu bài Chợ mới của soạn giả Trọng Nguyễn. Bài ca cổ đó sau này trở thành bài “tủ” của nhiều người dân Nam bộ trong các cuộc liên hoan, bên ly trà, trên bàn nhậu…

Từ bài ca cổ này mà Trọng Nguyễn phải tìm gặp Thanh Kim Huệ để trò chuyện và đưa tiếp cho cô nhiều tác phẩm để cô thể hiện giùm ông. Cũng trong bài Chợ mới, có bài Lý trăng soi là một điểm nhấn. Lý trăng soi nhiều người tưởng dân ca Nam bộ nhưng kỳ thực là sáng tác của nhạc sĩ Cao Văn Lý.

Vị nhạc sĩ từng có lần tâm sự, câu mở đầu của bài “Ơi dòng sông, mang nước đi nơi nào…”, chữ “nước” trong bài của ông tông ngang nhưng khi Thanh Kim Huệ thâu đã đẩy chữ “nước” cao vút lên, và từ đó người ta chỉ hát chữ “nước” theo kiểu Thanh Kim Huệ chứ không như bản gốc ban đầu.

Chuyên sửa tông bài vậy mà Thanh Kim Huệ không bị các soạn giả… rầy! Ngược lại, chính nhạc sĩ Cao Văn Lý cũng cho rằng cách hát của cô hay hơn bản gốc của ông. Đó là lý do vì sao những sáng tác sau này của ông đều tin tưởng giao cho Thanh Kim Huệ thâu trước như Lý Mỹ Hưng, Chị Sáu Giồng Trôm

Thanh Kim Huệ – mối tình đầu với NSUT Thanh Điền

NSƯT Thanh Điền hơn Thanh Kim Huệ khoảng 10 tuổi. Lần đầu gặp ông, ấn tượng của Huệ rất… xấu, bởi ông xù xì với cái đầu trọc lóc do mới bị thất tình. Dạo ấy, Huệ chừng 14 tuổi, mỗi lần cô ngồi hóa trang ra hát Thanh Điền cứ ngồi sau cầm cây đờn đờn hoài làm cô phát bực. Ông để ý quan tâm, chăm sóc cô từng ly từng tí nhưng cô cứ quay lơ. Nhớ lần đầu tiên ông bạo dạn nắm tay cô, cô phản ứng quyết liệt bằng cách cắn tay ông tới suýt chảy máu!

Khi còn ở đoàn Hoa Phượng, trong một lần lưu diễn, ghe chở gánh hát bị chìm. Thanh Điền biết bơi giỏi lại xốc vác nên ông nhanh chóng kêu mọi người ôm thùng đạo cụ như phao bơi cầm chừng để ông gọi người dân đem ghe ra cứu. Nhìn Thanh Điền tả xung hữu đột giúp cả đoàn thoát nạn, tự nhiên Thanh Kim Huệ cảm mến hồi nào không hay.

Hồi ở đoàn Kim Chung, Huệ nhớ cô đã có giai đoạn bị “đì” sát ván. Ngày nào ngồi vô bàn trang điểm cũng có lá thơ ai đó để sẵn bôi xấu cô rồi dọa méc bầu Long cho cô nghỉ hát, họ làm mọi cách để hình của cô không được treo quảng cáo trước rạp.

Lên hát thì không nhìn mặt, cô lập cô trong vở diễn. Với một cô gái trẻ, đó là sự uy hiếp tinh thần khủng khiếp. Thanh Điền đã luôn bên cạnh động viên cô. Thanh Kim Huệ nhớ lại: “Tôi rất biết ơn bầu Long, ông là người thương nghệ sĩ trẻ có tiềm năng và biết chuyện. Giai đoạn đó nếu ông nghe theo tin đồn chắc đuổi tôi rồi!”

Nhạc cải lương: Ngọt lịm giọng ca Thanh Kim Huệ

Cuối năm 1974, gia đình Thanh Điền lập gánh hát Xuân Liên Hoa, Thanh Kim Huệ về đoàn làm đào chánh, tại đoàn cô còn phát triển thêm khả năng viết tuồng. Cứ đi coi phim Hồng Kông nào thấy hay cô lại về phóng tác với khá nhiều kịch bản cải lương như Quỷ kiến sầu, Nắng đẹp muôn màu, Tiếng hát rừng hoang

Những ngày đầu 1975, cô và nghệ sĩ Thanh Điền thành hôn và đến nay họ đã có hơn 40 năm ngọt bùi bên nhau.

Sau giải phóng, họ cùng nhau đi qua các đoàn hát: Đoàn cải lương nhân dân Kiên Giang, Sài Gòn 2, Sài Gòn 3, Sài Gòn 1. Vở diễn nổi bật của hai vợ chồng là vở Ngao Sò Ốc Hến (đạo diễn: NSND Ba Vân) của soạn giả NSND Năm Châu. Với vở này, lần đầu tiên Thanh Kim Huệ vào vai đào lẳng, vai Thị Hến và Thanh Điền vào vai Huyện Trìa.

Thanh Kim Huệ mất hơn 1 tháng để tập từ cái liếc mắt sắc như dao cau, cái lắc mông làm lũ quan lại chết mê chết mệt, giọng hát đẩy đưa say đắm. Các nghệ sĩ Giang Châu vai Trùm sò, Trường Xuân vai Bác Ngao, Thanh Điền vai quan Huyện, Nam Hùng vai Thầy đề, Tô Kim Hồng vai bà Huyện… đều sáng tạo hết mình và rốt cuộc Ngao Sò Ốc Hến trở thành vở cải lương hài độc đáo trong lịch sử sân khấu cải lương.

Các nhân vật trong vở diễn đều đi vào cuộc sống, ai lẳng lẳng sẽ được gọi là Thị Hến, ai keo kiệt bị gọi là Trùm sò, ai có máu dê bị gọi là quan Huyện, thầy Đề… Thanh Kim Huệ kể vở diễn ra mắt khoảng năm 1982, 1983, ngay lập tức được khán giả yêu thích. 2g chiều diễn thì mới hơn 1g khán giả đã ngồi kín rạp.

Ngày nào vở cũng diễn, trong suốt hơn hai năm lên đến cả ngàn suất vì khán giả không muốn đoàn đổi tuồng khác. Lần nào diễn xong, cứ kéo màn lại là Thị Hến – Thanh Kim Huệ, Huyện Trìa – Thanh Điền và Trùm sò – Giang Châu lại ôm bụng cười, vì không bữa nào diễn giống bữa nào, mỗi ngày lại có thêm trò, có khi chọc ghẹo nhau trên sân khấu.

Khoảng năm 1995, sàn diễn cải lương rơi vào khủng hoảng, lúc đó Thanh Điền – Thanh Kim Huệ đang lãnh đạo đoàn Sài Gòn 1, thua lỗ liên tiếp khiến họ phải bán nhà trả nợ. Không có show hát, lại chịu cảnh ở nhà thuê, một bữa đi chợ thấy người ta bán máy ảnh không hiểu sao Thanh Kim Huệ mua thử.

Về nhà Thanh Điền chụp cho cô, nhìn đẹp quá, Thanh Kim Huệ nảy ra ý định mở studio ảnh ngay tại trụ sở của đoàn ở đường 3-2. Nhờ trời thương, vợ chồng chăm chỉ nên studio phất lên thấy rõ.

Khán giả nghe tin kéo đến chụp hình rần rần. Khán giả ở tỉnh thì thuê xe lên thành phố, xếp hàng dài trước hiệu ảnh để được nghệ sĩ Thanh Điền chụp hình. Làm ăn chừng vài năm vợ chồng họ đã lấy lại được vốn và mua nhà mới.

Tới năm 2009, cuộc sống ổn định, thấy kinh doanh hiệu ảnh bão hòa nên họ dẹp, giờ con trai Đăng Quang nối nghiệp chuyên chụp ảnh người mẫu cho các tạp chí.

Đến lúc đó thì Thanh Điền lại tự dung đắt show phim ảnh, ông liên tiếp được mời hết phim này tới phim khác. Còn Thanh Kim Huệ mỗi tháng cũng từ 20 đến 30 show hát các tỉnh. Tới tuổi nghỉ hưu mà xem ra vợ chồng họ vẫn rất bận rộn.

Thanh Kim Huệ cười: “Chúng tôi không có áp lực về tiền bạc nhưng thích bận rộn để đầu óc đừng ù lì. Tới tuổi này rồi, ngồi một chỗ hoài “xuống” nhanh lắm. Lúc nào cần thư giãn cả gia đình sẽ cùng đi ăn, du lịch đây đó, thoải mái và ấm áp!”

Nguồn: Theo Linh Đoan

 

 

Nhạc cải lương: Ngọt lịm giọng ca Thanh Kim Huệ

Nhận xét bài: Nhạc cải lương: Ngọt lịm giọng ca Thanh Kim Huệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *