Trong thời gian qua, hoạt động của sân khấu kịch xã hội hóa (XHH) tại TPHCM gặp rất nhiều khó khăn, khiến không ít sàn diễn cũ phải đóng cửa. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B, xung quanh vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: Chị nhận định như thế nào về thực trạng sân khấu, đặc biệt là mô hình sân khấu XHH tại TPHCM hiện nay?
NSƯT MỸ UYÊN: TPHCM là thành phố năng động, phong phú các hoạt động giải trí, có nhiều loại hình sân khấu biểu diễn. Một số đơn vị nghệ thuật, tuy cơ sở vật chất còn khó khăn nhưng mỗi năm đều được TP đầu tư kinh phí hoạt động, còn lại 80% thị phần hoạt động tổ chức biểu diễn trên thị trường là mô hình sân khấu XHH, đến nay dần trở thành sân khấu tư nhân hóa. Các ông bà “bầu” phải thuê mặt bằng của các trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi để tổ chức biểu diễn. Dù các nơi cho thuê có chút ưu đãi dành cho sân khấu, nhưng các đơn vị tổ chức biểu diễn vẫn lo lắng bán từng tấm vé để duy trì sáng đèn.
Áp lực của người làm sân khấu còn là sự đua tranh rất mạnh mẽ của rất nhiều loại hình giải trí khác. Trong khi các rạp phim nằm ở các trung tâm thương mại văn minh, khang trang, hiện đại, có đầy đủ các hoạt động vui chơi giải trí, ăn uống, mua sắm đi kèm, đáp ứng được nhu cầu của khán giả thì hầu hết các rạp sân khấu đều cũ kỹ, xuống cấp, có cả chuột chạy dưới chân, mạng nhện giăng ở các góc nhà, tường ố vàng, ghế xập xệ… Và dù có rất nhiều mặt bằng sân khấu bị bỏ hoang, nhiều nhà hát để không, nhưng khi thuê mướn, chi phí mặt bằng khá nặng, lại phải tốn kém một khoản không nhỏ để tu sửa cho phù hợp với yêu cầu làm nghề thì tư nhân thật sự kham không nổi.
Phải chăng sân khấu XHH đang bị bỏ rơi?
Có không ít chương trình văn hóa nghệ thuật được đầu tư tiền tỷ chỉ để thực hiện một đêm diễn duy nhất rồi thôi, trong khi một tác phẩm văn học nghệ thuật được chuyển tải trên sàn diễn có thể diễn phục vụ suốt nhiều tháng, nhiều năm, lại không được đầu tư, hỗ trợ, giúp đỡ.
Hiện nay, TPHCM có hơn 10 sân khấu kịch nói, chưa kể các sân khấu kịch của các bạn trẻ. Dù muôn vàn khó khăn bủa vây, bên cạnh vấn đề cơ sở vật chất còn là chuyện kịch bản hay, tác giả, đạo diễn giỏi nghề, nghệ sĩ, diễn viên tài năng, tâm huyết…, nhưng dân làm sân khấu vẫn đang cố gắng gồng gánh để duy trì sàn diễn.
Theo chị, sân khấu XHH cần làm gì và thay đổi như thế nào để tồn tại và phát triển?
Trước Tết Nguyên đán 2018, bà “bầu” Hồng Vân phải tuyên bố đóng cửa sàn diễn Superbowl vào cuối tháng 2-2018 vì không kham nổi chi phí thuê mặt bằng. Nỗi lòng này cũng chính là nỗi lòng của nhiều ông bà “bầu” sân khấu kịch tại TPHCM. Tuy nhiên, mới đây, sau khi đạt được sự cảm thông từ đơn vị cho thuê mặt bằng, sân khấu này sẽ tiếp tục duy trì hoạt động.
Tôi nghĩ, cơ quan chức năng của TP cần nhìn sâu vào đời sống văn hóa nghệ thuật hiện nay, nhất là lĩnh vực sân khấu, để có sự đầu tư, nâng cấp các cơ sở vật chất sao cho xứng tầm. Khi đó, các ông bà “bầu” có thuê mặt bằng mắc hơn một chút nhưng có cơ ngơi hiện đại, sáng đẹp, khang trang, đáp ứng được nhu cầu tổ chức biểu diễn và nhu cầu giải trí của khán giả. Khán giả có bỏ tiền mua vé họ cũng cảm thấy đáng đồng tiền. Ngoài ra, các sân khấu XHH cũng rất cần được hoạch định các chiến lược để phát triển về lâu dài. Nhưng theo tôi, nếu không có ngân sách, nên chăng phải kêu gọi mở rộng sự hợp tác với các đơn vị tư nhân để có sự đầu tư, sửa sang nâng cấp các sân khấu kịch.
Với Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B, việc khôi phục điểm diễn gặp khó như thế nào? Phải làm gì để tìm lối ra cho sàn diễn này?
Tính đến ngày 30-4-2018, sân khấu kịch thể nghiệm này đóng cửa tròn 3 năm. Sau một thời gian khá dài chờ đợi, đến nay, dự án này vẫn còn nằm trên giấy vì nhiều nguyên nhân. Trong khi đó, không ít khán giả yêu mến 5B vẫn ghé phòng vé để hỏi chúng tôi, bao giờ sàn diễn sáng đèn? Dự tính, nếu tòa nhà được khởi công, cũng mất vài ba năm mới hoàn thành. Trong khoảng thời gian này, chúng tôi muốn làm nghề, muốn tổ chức biểu diễn, nhưng lại không có tiền thuê mặt bằng ở nơi khác. Nhiều nơi lại chỉ cho thuê chỗ diễn, không có chỗ để cảnh trí, phục trang, vì với các đơn vị cho thuê, “tấc đất là tấc vàng”, còn chúng tôi lại không thể chủ động các hoạt động ở các sân khấu đi thuê như thế. Trong gần 3 năm qua, khi có kịch mục, chúng tôi phải mượn phòng khách Hội Sân khấu TPHCM để tập luyện, thoại kịch, chạy đường dây. Khi vở hoàn chỉnh thì mượn rạp Công Nhân của Nhà hát kịch TPHCM để phúc khảo, công diễn.
Trước tình hình như thế, chúng tôi không thể ngồi yên chờ đợi mãi. Thời gian qua, chúng tôi đã vận động, vay mượn tiền khắp nơi để có nguồn kinh phí tạm sửa sang lại sân khấu 5B trong khi chờ đợi xây dựng mới tòa nhà này. Nay, dù sân khấu nằm ở lầu 3, có nhiều hạn chế và bất cập, nhưng điểm diễn 5B vẫn cho chúng tôi những thuận lợi để làm nghề. Chúng tôi quyết tâm phải sáng đèn lại vào tháng 4-2018.
Mùa diễn tết vừa kết thúc, các sân khấu XHH lại chuẩn bị cho một năm mới với nhiều thử thách và khó khăn, chị kỳ vọng và mong mỏi gì cho sân khấu thành phố nói chung và Sân khấu nhỏ 5B nói riêng?
Tôi chỉ mong khán giả tiếp tục yêu thương những sân khấu kịch nói chân chính đã cố gắng gồng gánh để sáng đèn. Bản thân doanh nghiệp, tư nhân, các ông bà “bầu” đã cố gắng hết sức để xây dựng những điểm giải trí lành mạnh, tử tế. Vậy thì Nhà nước hãy hỗ trợ đầu tư, sửa chữa nâng cấp các rạp sao cho chỉn chu, khang trang hơn.
Minh chứng cho hiệu quả của các sân khấu XHH chính là năm nay trong khi các phòng trà, sân khấu ca nhạc đìu hiu thì các sân khấu kịch sáng đèn suốt tết, 1 ngày diễn 2-3 suất. Thực tế chứng tỏ thị hiếu của khán giả với sân khấu kịch vẫn rất nồng nhiệt. Sự thờ ơ, lơ là từ các cơ quan quản lý văn hóa, từ các cấp lãnh đạo sẽ khiến những người làm nghề chúng tôi cảm thấy tủi thân, đơn độc. Năm 2018, hy vọng những người làm nghề chỉ cần làm tốt, cố gắng dựng vở hay, chuyển tải tiếng cười ý nhị, câu chuyện kịch gửi gắm thông điệp cuộc sống, không chạy theo xu hướng dễ dãi thì khi đó mới có được khán giả tin tưởng, yêu quý sân khấu.
THÚY BÌNH (thực hiện)