100 năm qua, nghệ thuật cải lương đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với công chúng, đặc biệt là người dân Nam Bộ. Nhưng hiện sân khấu cải lương đang gặp rất nhiều khó khăn.
Sáng 28-4, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương phối hợp với Đài Tiếng nói VN và Hội Nghệ sĩ sân khấu VN tổ chức buổi hội thảo khoa học Một thế kỷ hình thành, phát triển của nghệ thuật cải lương ở VN (1918 – 2018) – Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển.
Tìm hướng thay đổi
“Sân khấu cải lương phía Bắc cũng đang phải đứng trước nhiều nguy cơ, thử thách. Mà sắp tới đây là kế hoạch sáp nhập đoàn cải lương với các đoàn nghệ thuật khác, nguy cơ mai một là điều có thể thấy…”
NSND Hoàng Quỳnh Mai
Mở đầu cuộc hội thảo, ông Võ Văn Thưởng – trưởng Ban Tuyên giáo trung ương – nhấn mạnh: “Nghệ thuật cải lương đã trải qua hành trình 100 năm với nhiều thăng trầm. Ngay khi mới ra đời, cải lương đã được công chúng đón nhận và phát triển ở cả ba miền, đáp ứng nhu cầu tinh thần – thẩm mỹ của mọi tầng lớp… Nhiều tác phẩm, vai diễn đã đi vào lịch sử, thấm đẫm vào ký ức của nhiều thế hệ công chúng…”.
Quả vậy, nếu như các loại hình tuồng, chèo có thể tương đối kén khán giả, kén đề tài thì sân khấu cải lương tỏ ra năng động, cởi mở hơn. Có thể nói hiếm loại hình nghệ thuật truyền thống nào có thể trải dài từ Bắc tới Nam như nghệ thuật cải lương với rất nhiều tỉnh, thành có đoàn nghệ thuật cải lương riêng cho tỉnh nhà.
Tuy nhiên, hiện tại sân khấu cải lương thưa vắng khán giả, các thành phần sáng tạo cho một vở diễn đang rất thiếu và yếu.
Đạo diễn Trần Minh Ngọc cho rằng: “Muốn tồn tại và phát triển, cải lương phải thay đổi, người làm cải lương phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, tìm ra con đường mới cho sân khấu cải lương”.
Ông đưa ra giải pháp phải tạo ra công chúng cho sân khấu và có kế hoạch đào tạo đội ngũ sáng tác, biểu diễn và đạo diễn cải lương. Trước mắt cần đào tạo những người quản lý có những hiểu biết kiểu các bầu gánh ngày xưa, nghĩa là biết nắm lấy thời cơ, các quy luật cung cầu của thị trường…
Ông lấy ví dụ hiện tại chúng ta chưa có giáo trình đào tạo một đạo diễn cải lương, hiện chỉ mới có đạo diễn kịch tay ngang sang làm cải lương, khiến xảy ra tình trạng cải lương đang bị “kịch hóa”.
Cần đầu tư bài bản
Đồng tình với đạo diễn Trần Minh Ngọc, NSND Thanh Hải bổ sung: “Chúng ta chưa có nơi đào tạo đạo diễn cải lương, mà để trở thành đạo diễn cải lương không phải dễ, không chỉ biết cách dàn dựng một câu chuyện mà bạn còn phải am hiểu về âm nhạc cải lương để biết cách đặt để bài bản sao cho hay”.
Đó chỉ là một phần khó khăn mà sân khấu cải lương hôm nay phải đương đầu.
Rất nhiều giải pháp được đề nghị như xây dựng những nhà hát cho cải lương; có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho những người làm nghệ thuật truyền thống; bồi dưỡng, đào tạo những soạn giả, đạo diễn, diễn viên trẻ; đưa cải lương vào học đường để cải lương đến gần với người trẻ, nuôi dưỡng một lớp khán giả mới…
Ông Huỳnh Anh Tuấn – giám đốc sân khấu kịch Idecaf, người từng tổ chức một số chương trình cải lương – tâm tư: “Lúc trước tôi từng phối hợp tổ chức 2 suất diễn vở cải lương Trung thần ở nhà hát Bến Thành, ai cũng khen vở diễn hay nhưng đến suất thứ ba là không thể bán vé được rồi. Khán giả mua vé cứ hỏi có Lệ Thủy – Minh Vương không họ mới mua vé.
Mà nói thật có 10 Lệ Thủy – Minh Vương thì bây giờ diễn chỉ cao lắm là 2, 3 suất. Hai suất diễn Trung thần tôi bị lỗ tới 108 triệu đồng…
Tôi nghĩ quan trọng bây giờ chúng ta phải xác định đúng tình hình và nếu đã xem đó là loại hình nghệ thuật ưu tiên để duy trì, bảo tồn thì Nhà nước phải có sự đầu tư, không thể đẩy cải lương bơi vào dòng thị trường được…”.
Nguồn: Theo Linh Đoan báo tuổi trẻ