Bài hát: Nửa đời hương phấn – Thanh Nga – Thành Được (cải lương trước 1975)
Thể loại: Cải lương xưa trước 1975
Ca sĩ: Thành Được, Thanh Nga
Lời bài hát: Nửa đời hương phấn – Thanh Nga – Thành Được (cải lương trước 1975)
Nửa đời hương phấn – Thanh Nga – Thành Được (cải lương trước 1975) - Thành Được, Thanh Nga
“Nửa đời hương phấn” – tấn bi kịch của cô gái bán phấn buôn hương.
Nửa đời hương phấn là một trong những vở cải lương nổi tiếng góp phần làm nên tên tuổi của soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, Nửa đời hương phấn vẫn được người mộ điệu trọn lòng yêu mến. Đến độ, nhiều người thuộc từng lời ca, lớp diễn, và tình tiết.
Nội dung tác phẩm:
Vở cải lương là chuyện buồn của The, lên thành phố tìm việc làm nuôi gia đình nhưng bị dụ dỗ, sa vào nghề “buôn phấn bán hương” với cái tên Hương. The có mối tình với chàng trai tên Tùng nhưng bị anh trai của Tùng là Hai Cang ngăn trở. Trớ trêu, Tùng sau này cưới Diệu mà không biết cô là em gái của Hương. Buồn đời, Hương quy y cửa Phật. Sau khi biết được những ẩn ức của Hương, Tùng cùng vợ và mẹ đến chùa khuyên Hương hoàn tục. Bỏ qua mọi lời khẩn cầu, Hương quyết tìm quên “nửa đời hương phấn” trong chiếc áo nâu sòng cùng những lời tụng niệm:
“Nửa đời hương phấn hư hao,
Nửa đời còn lại gửi vào thiền môn”
Hoàn cảnh ra đời tác phẩm
Ra đời vào cuối thập niên 1950, Nửa đời hương phấn đã tạo nên cơn sốt cho đoàn Thanh Minh – Thanh Nga. Vai The (Hương) dành cho những ngôi sao sáng như Út Bạch Lan, Thanh Nga rồi sau này là Phượng Liên, Bạch Tuyết. Bởi để thể hiện một cô gái làm nghề kỹ nữ nhưng giàu lòng tự trọng, hiếu thảo và nếm trải cay đắng mùi đời là điều không phải dễ. Một vai diễn khác cũng đắt giá là Tùng – người yêu và cũng là em rể của Hương. Những kép đẹp, diễn mùi từng đảm trách vai này là Thanh Sang, Hữu Phước, Hùng Cường. Đặc biệt, vai Diệu trong Nửa đời hương phấn đã giúp nghệ sĩ Lệ Thủy đoạt giải Thanh Tâm danh giá vào năm 1964, khi bà mới tròn 16 tuổi.
Vài nét về tác giả:
Liên danh Hà triều – Hoa Phượng
Hà Triều (1931–2003) là nghệ danh của soạn giả cải lương. Ông cùng với soạn giả Hoa Phượng hợp tác sáng tác nhiều vở cải lương lừng danh sân khấu Việt Nam trong suốt 10 năm (1955–1965).
Hoa Phượng (1933 – 1984), tên thật là Lương Kế Nghiệp; là nghệ danh của một soạn giả cải lương Việt Nam. Ông đã hợp soạn với soạn giả Hà Triều trên 60 vở[1], và trong số ấy có nhiều vở thực sự có giá trị về nội dung lẫn hình thức. Theo sách Kỷ lục An Giang, 2009; thì ông là người “viết nhiều vở tuồng cải lương nhất tỉnh”
-
Hoạt động chung liên danh Hà Triều – Hoa phượng.
Thuở nhỏ, do Hà Triều có điều kiện, ngoài việc học văn hóa, ông còn được học cơ bản về nhạc lý.
Năm 1955, ông gặp lại người bạn Lương Kế Nghiệp. Năm 1956, ông giới thiệu bạn mình với Hà Huy Hà và được gợi ý 2 ông cùng hợp tác viết kịch bản cải lương. Cả hai soạn nội dung rồi chia nhau viết, chỉ một tuần là xong, đem đưa nhà thơ Kiên Giang (tên cũ là Hà Huy Hà và Trương Khương Trinh) xem. Ông gật đầu đem đi dựng trên sân khấu Minh Chí – Việt Hùng. Ban đầu, tên vở được giám đốc kỹ thuật hãng đĩa ASIA – Thái Thụy đặt là Tình quê hương vì có nội dung chống quân nhà Minh, sau được đổi lại là “Vì quê hương”. Đặng Ngươn Chúc lấy tên mấy người em của mình ghép lại thành Hà Triều, còn Lương Kế Nghiệp đặt bút danh là Hoa Phượng cho “ướt át”. Với kịch bản đầu tay của 2 người, bút danh Hà Triều – Hoa Phượng ra đời.
Trong 10 năm (1955–1965), liên danh Hà Triều – Hoa Phượng đã viết chung khoảng 50 vở hát.
Hai ông cộng tác với nhau và đạt được nhiều thành công nhất định,ra đời hàng loạt tác phẩm: Khi hoa anh đào nở (1957), Nửa đời hương phấn, Tấm lòng của biển, Mưa rừng (1961)Thái hậu Dương Vân Nga, Bóng hồng sa mạc…
Nhìn chung, Hoa Phượng và Hà Triều được đánh giá là “bậc thầy, người anh, người đồng nghiệp thân thiết và tri âm của nhiều nghệ sĩ sân khấu; đồng thời còn là một soạn giả quen thuộc đối với những ai yêu mến bộ môn nghệ thuật cải lương của Việt Nam”.
Nghệ sĩ tạo dấu ấn trong Nửa Đời Hương Phấn thời kỳ đầu
Nếu khán giả cải lương yêu mến vở “Nửa đời hương phấn” thì không thể nào quên hai nghệ sĩ đã tạo dấu ấn đậm nét ngay từ ngày đầu vở diễn này ra mắt công chúng, đó là NSƯT Út Bạch Lan (vai Hương) và NS Thành Được (vai Tùng).
NS Út Bạch Lan – Thành Được
NS Thành Được và NS Út Bạch Lan may mắn khi bước chân vào nghề hát đã được danh sư Kim Chưởng chỉ dạy. Bà chủ đoàn cải lương Kim Chưởng được mệnh danh là “Anh hùng lưu diễn”.
Trên sân khấu Kim chưởng đã đưa cặp đôi này tới hôn nhân” Hôn thơ giã thú”.
Nghệ sĩ Thành Được trước 1975 đã được mệnh danh là “ông vua không ngai”. Năm 1958, ông về hát trên sân khấu đại bang Kim Chưởng rồi sau đó lập nên thương hiệu Út Bạch Lan – Thành Được.
Hai ngôi sao lừng danh thập niên 1960 đã làm nên tên tuổi của vở cải lương này.
Chất nhạc – chất thơ, tính nhân văn trong vở cải lương kinh điển.
Trong giới cải lương, hai tác giả Hà Triều – Hoa Phượng vốn là bậc thầy trong việc sáng tạo những kịch bản ăn khách. Nửa đời hương phấn không phải là ngoại lệ.
Cách gieo vần, ý tứ trong vở cải lương đều được thể hiện một cách tế nhị dù đề cập đến vấn đề xã hội nhức nhối.
Vở cải lương không đơn thuần là kịch bản giải trí. Đây còn là lời khóc than của soạn giả thay cho những cô gái có số phận đáng thương, trót lầm đường lạc lối của xã hội cũ.
“Số phận con đã không may,
Kiếp hoa tàn héo đọa đày truân chuyên,
Tóc xanh gởi (gửi) lại mẹ hiền
Đời con khép kín cửa thiền từ đây”.
Câu vọng cổ của nhân vật The khép lại vở cải lương Nửa đời hương phấn. Song, điều đó để lại dư âm dằn vặt trong lòng khán giả.